Tuần qua, trên địa bàn tỉnh phát sinh thêm khoảng 4,5 ha dừa ở các xã An Trường, Phương Thạnh, Đức Mỹ và thị trấn Càng Long (huyện Càng Long) bị sâu đầu đen tấn công. Như vậy đến nay, tỉnh có gần 40 ha dừa (khoảng 8.800 cây dừa) bị sâu đầu đen gây hại.
Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tập trung khoanh vùng, phun thuốc phòng trị đối với các vườn nhiễm nặng và vườn có nguy cơ lây lan xung quanh; đến nay, đã phun xịt gần 3.800 cây dừa tại các huyện Càng Long và Trà Cú. Đồng thời, mở 3 lớp tập huấn chuyển giao biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa cho trên 100 nông dân.
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang phối hợp với các địa phương trồng dừa trong tỉnh tích cực tuyên truyền, tập huấn cho nhà vườn cách phòng trừ sâu đầu đen hại dừa nhằm hạn chế thiệt hại và lây lan diện rộng.
Tỉnh Trà Vinh có khoảng 90.000 hộ trồng dừa trên tổng diện tích 27.380 ha với gần 7 triệu cây; tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long, Tiểu Cần và Cầu Kè. Diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với sản lượng đạt khoảng 444 triệu quả/năm.
Hiện sâu đầu đen hại dừa đã xuất hiện tại các huyện: Càng Long, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành, và thành phố Trà Vinh. Ngoài ra, trong tỉnh còn một số diện tích đã nhiễm sâu đầu đen mật số thấp, dưới ngưỡng thống kê nhưng có khả năng gia tăng và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay. Nếu không phòng trị kịp thời sẽ bùng phát thành dịch gây thiệt hại lớn cho người trồng dừa. Hiện đang là mùa khô kết hợp với gió mùa Đông Bắc là điều kiện vô cùng thuận lợi để sâu sinh sản và phát tán.
Ông Lê Trường Sơn, Chi cục Trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) cho biết, sâu đầu đen là loại sâu gây hại cây dừa rất nguy hiểm, có thể thiệt hại khoảng 80% năng suất, thậm chí gây chết cây. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm vườn, nếu phát hiện tình trạng sâu đầu đen tấn công, tàu dừa cháy khô từ những lá già bên dưới, dần lên các lá bên trên và các tàu lá non trên ngọn, gây rụng trái, giảm năng suất thì thông báo ngay với chính quyền địa phương để được hỗ trợ phun xịt nhằm ngăn chặn sâu đầu đen lây lan diện rộng, giảm thiểu thiệt hại.
Khi phát hiện sâu đầu đen, nhà vườn cần cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá hoặc lá bị sâu gây hại bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước; đồng thời, không nên vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ như cau, chuối và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế sự lây lan.