Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đề nghị các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với việc phòng trị sâu đầu đen trên cây dừa. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp phòng trị đã áp dụng có hiệu quả cao; trong đó chú trọng biện pháp quản lý tạm thời theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, giải pháp sinh học an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu, tìm giải pháp để quản lý, phòng trừ và tiêu diệt loài sâu đầu đen gây hại trên cây dừa theo hướng an toàn sinh học, bền vững mang lại hiệu quả cao nhất.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tích cực phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của các viện, trường, ngành bảo vệ thực vật thực hiện các nghiên cứu để đánh giá xác định mức độ gây hại, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trừ một cách toàn diện, theo hướng sinh học an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố thành lập các Tổ chuyên trách thực hiện công tác phòng, trị sâu đầu đen các cấp trên địa bàn quản lý để hỗ trợ người dân khi cần thiết; xây dựng lực lượng xung kích ở các ấp đóng vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ triển khai phòng, trị nhanh chóng, đồng loạt, hiệu quả.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương thuộc quyền quản lý phối hợp với các cơ quan chức năng, các ngành có liên quan nhanh chóng khoanh vùng những khu vực đã xuất hiện sâu đầu đen, đồng loạt thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên dừa và cây ký chủ phụ khác (các cây họ cau, chuối…), để hạn chế thiệt hại, không lây lan ra diện rộng.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, sau thời gian triển khai các biện pháp quản lý sâu đầu đen cho thấy, người nông dân cơ bản đã nhận biết tác hại, triệu chứng gây hại và biện pháp quản lý của sâu đầu đen hại dừa. Tuy nhiên, việc phòng trừ chưa thực hiện đồng loạt và cộng đồng nên việc tái nhiễm, lây lan vẫn còn.
Một số vùng trồng dừa không chuyên canh, dừa không phải nguồn thu nhập chính nên việc phòng trừ không triệt để dẫn đến mức độ gây hại càng nặng; đội ngũ phun thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương chưa quen với kỹ thuật phun phòng trừ sâu đầu đen (phun không ướt mặt dưới lá, vòi phun mạnh, lượng nước ít…) dẫn đến hiệu quả sử dụng thuốc chưa cao. Đáng chú ý, diện tích nhiễm sâu đầu đen hại dừa có tăng so với thời điểm tháng 2/2021 nhưng không có ổ dịch mới.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre Võ Văn Nam, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh áp dụng ngay các biện pháp dập dịch nhằm giảm mật số sâu, hạn chế lây lan trong khi chờ kết quả nghiên cứu để có quy trình hoàn chỉnh. Về lâu dài, tỉnh quản lý sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học để đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ dừa đạt chất lượng về an toàn thực phẩm được các thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.
Ông Võ Văn Nam cho hay, việc phòng trừ sâu đầu đen gây hại dừa ở Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, sâu gây hại thường xuất hiện đầu tiên trên các vườn dừa cao hơn 10m và thiếu công lao động nên khó khăn trong phát hiện và phòng trừ. Một số nông dân thực hiện biện pháp phòng trừ chưa tuân thủ quy định như phần sâu gây hại nặng đem tiêu hủy trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc cắt tỉa mà không tiêu hủy nên hiệu quả phòng trừ không cao và vẫn còn khả năng lây lan...
Tháng 7 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre xuất hiện một đối tượng sâu mới gây hại trên dừa có tên gọi là sâu đầu đen Opisina arenosella Walker, với diện tích nhiễm 2,4 ha tại ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại. Đây là đối tượng dịch hại mới xuất hiện ở Việt Nam chưa có quy trình hướng dẫn chính thức để quản lý sâu đầu đen hại dừa, đồng thời chưa có loại thuốc bảo vệ nào tại Việt Nam đăng ký phòng trị.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, đến nay, diện tích sâu đầu đen gây hại dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre là 160,98 ha; trong đó, diện tích nhiễm nặng bị cháy lá là 51 ha, tăng 14 ha so với tháng 2/2021. Diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại tập trung ở các huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre và Chợ Lách.