Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

Các tỉnh Kon Tum, Thái Nguyên, Nghệ An đang tăng cường phối hợp với các địa phương nhằm dự báo tình hình và có phương án xử lý tốt đối với dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Tại Kon Tum: Theo thống kê, tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2020 - 2021 của tỉnh Kon Tum là gần 9.200 ha; trong đó, chủ yếu là lúa. Cùng với hàng trăm nghìn ha cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đang tăng cường phối hợp với các địa phương nhằm dự báo tình hình và có phương án xử lý tốt đối với dịch bệnh trên cây trồng. 

Chú thích ảnh
Gần 30 ha sầu riêng của người dân huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum bị rụng lá non, cháy lá già do sử dụng sai thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

 Theo đó, ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2020 - 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum đã có dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng gửi phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng kinh tế thành phố Kon Tum. Qua đó, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện chủ động trong công tác điều tra, phát hiện, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây trồng theo phương châm phòng là chính, trừ khi bệnh mới xuất hiện hoặc sâu ở độ tuổi còn non, mật độ thấp để đạt hiệu quả cao.

Huyện Đăk Hà là một trong những địa phương có nhiều diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2020 - 2021 lớn nhất của tỉnh Kon Tum, với gần 2.000 ha. Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện một số loại bệnh hại trên cây trồng đã xuất hiện, như: thán thư trên cây cà phê; đốm nâu, vàng lá, tuyến trùng rễ trên cây lúa; khô miệng trên cây cao su… Nhìn chung, các loại bệnh này đều xuất hiện ở thể nhẹ.

Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết, đơn vị đã chỉ đạo cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện có văn bản, gửi cho UBND các xã, thị trấn, hướng dẫn nhân dân sử dụng thuộc bảo vệ thực vật phù hợp với từng loại bệnh, đúng và đủ liều lượng. Riêng đối với những cánh đồng chưa đảm bảo trong việc phòng trừ, ngành nông nghiệp đã cử cán bộ trực tiếp xuống hướng dẫn nhân dân cách phòng, trừ sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Đoàn Năng Rường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cũng cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng như bọ trĩ, ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại trên cây lúa vụ Đông Xuân.

Ngoài ra, một số các bệnh hại khác cũng xuất hiện như: bệnh phấn trắng trên cây cao su, sâu bệnh hại cây cà phê,… ở mức độ nhẹ, rải rác cục bộ. Riêng đối với bệnh khảm lá sắn, trong niên vụ 2020 đã gây hại cho khoảng 146ha; trong đó, nặng nhất là huyện Kon Plông với 130ha...

Đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cuối tháng 2/2021, một số hộ dân tại làng Tum, xã Ia Ly, huyện Sa Thầy đã dùng thuốc bảo vệ thực vật để trừ nhện đỏ trên cây sầu riêng. Tuy nhiên, sau khi phun thuốc, gần 30ha sầu riêng đã bị rụng lá non, cháy lá già.
 Qua kiểm tra thực tế, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác định loại thuốc bảo vệ thực vật mà người dân sử dụng không được sử dụng để trừ nhện đỏ. Việc sầu riêng bị rụng lá là do sử dụng sai thuốc bảo vệ thực vật, kết hợp với điều kiện thời tiết gió mạnh, đêm và sáng sớm có sương muối…..

*Tại Thái Nguyên: Sau khi xuất hiện tại hai địa phương là huyện Võ Nhai và thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), mới đây, bệnh viêm da nổi cục tiếp tục được phát hiện trên đàn trâu tại thành phố Sông Công. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm nỗ lực kiểm soát, khống chế ổ dịch, không để lây lan rộng.

Trước đó, vào ngày 19/3, gia đình ông Nguyễn Viết Bính ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn có 3/6 con bò biểu hiện sốt, trên da nổi cục. Gia đình đã báo cáo cơ quan chức năng và kết quả xét nghiệm đã khẳng định dương tính với bệnh viêm da nổi cục. Cùng thời điểm đó, ở phường Châu Sơn cũng xuất hiện bệnh viêm da nổi cục tại gia đình ông Dương Văn Hiệp ở tổ dân phố 3. Các ổ dịch này đều có dấu hiệu lây lan.

Đến thời điểm này, thành phố Sông Công đã có 10 con bò của 8 hộ dân ở 7 xóm, tổ dân phố thuộc 6 xã, phường nhiễm bệnh; trong đó có 2 con chết. Ngày 20/3, thành phố Sông Công đã ra quyết định công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn. Đồng thời tiến hành tiêm vaccine bao vây ổ dịch, hiện đã tiêm được 350 liều vắc xin, tuy nhiên, nhu cầu vắc xin của thành phố Sông Công là 3.350 liều, thành phố đã đăng ký với Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên để được cấp thêm. Tổng đàn trâu, bò trên địa bàn thành phố hiện là 4.000 con.

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Sông Công cho biết: “Để nỗ lực khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, thành phố Sông Công yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò ra, vào vùng dịch, vùng bị uy hiếp theo quy định của Luật Thú y. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch, không để lây lan ra diện rộng”

* Tại Nghệ An: Ngành nông nghiệp Nghệ An cùng các địa phương trong tỉnh đang tập trung các giải pháp giúp nông dân phòng chống bệnh khảm lá sắn gây hại trên các vùng trồng sắn trong tỉnh. Hiện đã có trên 1.600 ha sắn trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, bệnh khảm lá sắn do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic virus gây ra; lây lan qua bọ phấn trắng và hom giống nhiễm bệnh, rất nguy hiểm cho các vùng trồng sắn. Tại một số địa phương trồng sắn của tỉnh, bệnh khảm lá sắn xuất hiện làm giảm năng suất, chất lượng, nặng hơn thì sắn đến kỳ không thể cho thu hoạch. Tại huyện Tân Kỳ - vùng trồng sắn chủ lực của tỉnh, khi xuất hiện bệnh, nông dân đã mua thuốc về phun xịt lên cây sắn, nhưng kết quả không đạt như mong muốn. Huyện Nghĩa Đàn có vùng nguyên liệu sắn trên 700 ha nhưng cũng đã có trên 60 ha bị nhiễm bệnh.

Nghệ An có vùng nguyên liệu sắn chủ yếu tập trung ở các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Yên Thành… Tại các địa phương này, nhiều hộ nông dân coi sắn là cây trồng chính, giúp giải quyết việc làm, thu nhập; tuy nhiên bệnh khảm lá sắn xuất hiện đang gây thiệt hại lớn cho nông dân. Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ trồng sắn chọn cây giống để trồng không đảm bảo sạch bệnh; quy trình kỹ thuật trồng, cải tạo đất còn nhiều bất cập, tạo cơ chế cho bệnh lây lan, phát triển.

Hiện nay trước diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá sắn, ngành nông nghiệp và các địa phương đang hướng dẫn nông dân phòng chống bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, trong đó có việc khoanh vùng, khống chế, không để bệnh tiếp tục lây lan trên diện rộng.

Tại một số địa phương trong tỉnh, khi xuất hiện bệnh, thực hiện các giải pháp phòng chống không hiệu quả, nông dân đã phải chấp nhận nhổ bỏ để tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn đã trồng của gia đình để bệnh không lây lan. Ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ nông dân tiền tiêu hủy những diện tích sắn bị nhiễm bệnh.

Nhóm phóng viên CQTT (TTXVN)
Ðiều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp
Ðiều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2021/NĐ-CP về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Trong đó, Nghị định quy định rõ về điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN