Theo ông Nam, thời gian qua ngành chức năng tiến hành hỗ trợ tư vấn cho người dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại cho cây dừa. Theo đó, chú trọng sử dụng các loại thuốc sinh học nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Cùng với đó, ngành chức năng tổ chức nhân nuôi các loài ong ký sinh trên sâu đầu đen để tiêu diệt sâu hiệu quả.
Cụ thể, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã nhân nuôi hai loài ong ký sinh nhộng và ong ký sinh ấu trùng có khả năng kiểm soát cao trên sâu đầu đen hại dừa.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện 10 mô hình phóng thích ong ký sinh với tổng diện tích rên 14 ha vườn dừa nhiễm sâu đầu đen. Qua đánh giá, một số mô hình dần kiêm soát được diện tích nhiễm. Đến nay đã có trên 10 triệu ong ký sinh được phóng thích tại các vườn dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Ông Nam lý giải, một số nước bạn như Thái Lan vốn có công nghệ trồng trọt phát triển, tuy nhiên chỉ trong vòng hai năm vẫn bị nhiễm sâu đầu đen với diện tích lên đến 40.000 ha. Trong khi tỉnh Bến Tre chỉ có khoảng trên dưới 1.000 ha bị nhiễm là khá hiệu quả. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp với các viện, trường tiếp tục nghiên cứu tập quán sinh trưởng của loài sâu này để đưa ra quy trình quản lý cụ thể để triển khai sơm trong thời gian tới.
Theo ông Nam, khó khăn hiện nay một số vườn dừa nhỏ lẻ, dừa lâu năm quá cao không tiến hành phun thuốc được, vườn dừa bị nhiễm người dân không quan tâm chăm sóc, có kế hoạch phòng trừ nên dẫn đến sâu phát triển lây lan sang các vườn cây khác.
Ông Nam khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi vườn dừa có biện pháp phòng trừ ngay từ lúc đầu để mang lại hiệu quả tốt nhất, không đợi đến mật độ sâu trong vườn tăng cao rồi mới tiến hành xử lý, khi đó hiệu quả phòng trừ thấp và tốn nhiều chi phí. Bên cạnh người dân nhân nuôi các loài thiên địch như bọ đuôi kìm, ong ký sinh để thả trong vườn dừa góp phần tăng khả năng phòng chống sâu đầu đen gây hại.
Thời gian qua, nhiều vườn dừa quanh khu vực nhà ông Lê Tấn Phát, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, bị sâu đầu đen gây hại. Tuy nhiên, do có sự chủ động trong phòng trừ sau hại đen nay vườn dừa hơn 1 ha của ông Phát không bị sâu đầu đen gây hại.
Ông Phát cho hay, ngay từ khi vươn dừa bị nhiễm sâu đầu đen ông cho tiến hành đốn bỏ hơn chục gốc dừa bị gây hại tiến hành tiêu hủy để sâu không lây lan. Bên cạnh đó, ông Phát thường xuyên tiến hành phun thuốc lên cây dừa (2 lần/tháng) để diệt bướm ấu trùng, không cho sâu phát triển gây hại.
Ông Phát mong muốn, ngành chức năng nhanh chóng nhân nuôi các loài thiên địch (ong ký sinh) như đã làm trước đây đối với bọ cánh cứng hại dừa. Khi đó, đói tượng gây hại sẽ dễ bị tiêu diệt hơn so với sử dụng các biện pháp phun thuốc hóa học.
Theo Chi cục Bảo vệ Thục vật tỉnh Bến Tre. Đến nay, tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen hơn 910 ha; trong đó có hơn 308 ha đang phục hồi, hơn 608 ha, đang bị nhiễm, tăng 29 ha so tuần trước. Trong 608 ha nhiễm sâu đầu đen: nhiễm nhẹ 208,01 ha (tỷ lệ hại 10- 20%), nhiễm trung bình 156,69 ha (tỷ lệ hại >20- 40%), nhiễm nặng 243,56 ha (tỷ lệ hại > 40%). Tỉnh Bến Tre có trên 77.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước.