Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định của pháp luật về thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: thực hiện tiêm phòng vụ Thu - Đông cho đàn vật nuôi đối với các loại vaccine: tụ huyết trùng, lở mồm long móng đối với trâu, bò; dịch tả lợn cổ điển; tụ huyết trùng lợn; tai xanh lợn; lở mồm, long móng lợn; cúm gia cầm; dại chó mèo.
Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động nhân dân khi phát hiện lợn mắc bệnh dịch tả cần tiêu hủy và cách ly chúng nhanh chóng để tránh lây lan và dịch bệnh bùng phát; không mua bán, vận chuyển và tiêu thụ lợn đã bị nhiễm bệnh hoặc lợn nghi bị bệnh; tiêu diệt những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như ruồi, muỗi để tránh mang bệnh đi phát tán.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8 xã, thị trấn thuộc 4 huyện, thành phố trong tỉnh. Cụ thể: xã Bản Hon, Sơn Bình (huyện Tam Đường); Phăng Sô Lin, Pa Khóa và Ma Quai (huyện Sìn Hồ); Thu Lũm, Bum Nưa (huyện Mường Tè); phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu). Số lợn phải tiêu hủy 247 con với tổng trọng lượng hơn 9,5 tấn.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát là do mầm bệnh vẫn tồn tại ngoài môi trường, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ và đường lây truyền dịch bệnh phức tạp, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, việc giao thương buôn bán, vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật khó kiểm soát triệt để…
Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn trước nguy cơ bệnh dịch tái phát thì biện pháp tiêm phòng là rất quan trọng. Tuy nhiên, giá vaccine phòng bệnh dịch tả châu Phi cao, đàn lợn phải được xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước khi tiêm nên rất tốn kém cho người chăn nuôi. Do đó, đến nay, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 15% so với tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 244.000 con.
Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi trong chuồng kín; kiểm soát người ra, vào khu vực chăn nuôi; chủ động nguồn con giống tại chỗ (hoặc mua con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh); kiểm soát chặt thức ăn đầu vào.
Ngoài ra, cần tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng các bệnh khác cho đàn lợn như: tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng; có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các chế phẩm sinh học nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn; định kỳ 1 tuần 1 lần phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi và xung quanh khu vực chăn nuôi...
* Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, trước hình dịch hại sâu đầu đen phát triển mạnh gây hại hầu hết các vườn dừa tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh, UBND huyện Chợ Gạo đã chỉ đạo ngành chức năng điều tra diện tích nhiễm bệnh, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân triển khai quy trình tạm thời phòng chống sâu đầu đen hại dừa.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo, đến ngày 2/8, kết quả điều tra diện tích dừa nhiễm mới sâu đầu đen của huyện Chợ Gạo là 198,3 ha với 434 hộ có dừa bị nhiễm, tỷ lệ hại là 5 - 10%. Qua thống kê chung, toàn huyện có 216,8 ha dừa bị sâu đầu đen gây hại, tỷ lệ hại 5 - 10%. Trong đó xã Xuân Đông 198,3 ha, xã Hòa Định 16,96 ha, xã An Thạnh Thủy 1,55 ha.
Cùng ngày 2/8, lãnh đạo huyện Chợ Gạo gồm Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hồng Hữu, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Nhỏ đã đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại xã Xuân Đông để có hướng chỉ đạo khắc phục.
Qua kiểm tra, lãnh đạo huyện Chợ Gạo yêu cầu xã Xuân Đông cùng ngành nông nghiệp huyện tiếp tục tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh huyện xã về tình hình dịch hại sâu đầu đen và biện pháp phòng chống; tăng cường tập huấn, phát tờ rơi về quy trình tạm thời phòng chống sâu đầu đen hại dừa.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp vận động người dân phun xịt những vườn dừa bị nhiễm nhẹ; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa có sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi.
Đồng thời, cán bộ nông nghiệp khuyến khích chủ vườn dừa nuôi ong ký sinh, gia tăng mật số ong ký sinh để phóng thích trong thời gian tới, nhằm quản lý hiệu quả sâu đầu đen trong thời gian dài trên đối tượng sâu hại này bằng biện pháp sinh học bền vững và an toàn, ngăn chặn sự lây lan của sâu đầu đen sang diện rộng.
Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hiện có trên 8.124 ha dừa, tăng 5,57% so cùng kỳ năm 2023; trong đó, diện tích dừa đang cho trái 7.035 ha, ước sản lượng thu hoạch trong 6 tháng đầu năm 2024 được 45.025 tấn. Theo các nhà vườn trồng dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cây dừa không đòi hỏi công chăm sóc cùng chi phí đầu tư (phân bón, thuốc trừ sâu) như những loại cây trồng khác nên với giá bán trung bình từ 50.000 đồng/chục trở lên là nông dân đã có lợi nhuận tương đối ổn định.
Theo thống kê, tổng diện tích dừa của tỉnh Tiền Giang hiện nay là 21.654 ha, với diện tích cho trái 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.