Theo đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Chi cục chăn nuôi và Thú y phối hợp với Chi cục Thủy sản tiến hành kiểm tra thực tế tại các cơ sở nuôi cá lồng.
Tại văn bản số 400/SNN-CCTS ngày 24/3 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc "cá nuôi lồng trên sông Lô bị chết rải rác" gửi UBND huyện Đoan Hùng nhận định, qua theo dõi thực tiễn hoạt động nuôi cá lồng trên sông Lô những năm gần đây vào thời điểm giao mùa, nhất là từ mùa đông lạnh chuyển sang mùa xuân, khi thời tiết ấm lên, một số người dân nuôi cá nheo Mỹ, cá rô phi, cá trắm cỏ thường xảy ra hiện tượng cá chết rải rác (chủ yếu là cá giống, kích cỡ nhỏ).
Nguyên nhân chính là vào thời gian mùa đông lạnh, nhiệt độ nước xuống thấp, cá nuôi không tăng trọng nên đa số người chăn nuôi cắt giảm tối đa khẩu phần ăn, không chủ động bổ sung các loại vitamin, chế độ thức ăn thiếu dinh dưỡng.
Vì vậy khi giao mùa, nhiệt độ nước tăng lên dẫn đến môi trường thay đổi gây nên hiện tượng sốc môi trường, đàn cá nuôi sức đề kháng kém là nguyên nhân làm cá cỡ nhỏ chết rải rác.
Tuy nhiên, trước đó đã có một số hộ dân lại phản ánh nguyên nhân cá chết là do hoạt động khai thác cát trên sông làm sục bùn dẫn đến cá chết. Nhưng, tại thời điểm kiểm tra các yếu tố môi trường bằng test nhanh như pH, NH3, hàm lượng oxy hòa tan đều nằm trong ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản, nước sông không có hiện tượng sục bùn, độ trong khoảng 20-25cm; trên sông có tàu hút cát nhưng hoạt động cách cụm lồng nuôi trên 50m, trong khi kiểm tra lâm sàng, các mẫu cá bằng mắt thường cho thấy, cá không có dấu hiệu mang có bùn, cát. Vì vậy, không thể khẳng định tình trạng cá chết là do khai thác cát trên sông…
Văn bản số 400/SNN-CCTS cũng nêu rõ, căn cứ kế hoạch số 1870KH-UBND ngày 22/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phát triển nuôi cá lồng thâm canh trên địa bàn giai đoạn 2015-2020 và Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNN ngày 10/4/2015 của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản theo Thông tư là QCVN 02-22:2015/BNNPTNN quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt, thì quy mô số lồng nuôi thủy sản trên sông Lô tại xã Hùng Long tối đa là 250 lồng. Tuy nhiên, hiện nay tổng số lồng nuôi trồng thủy sản tại xã Hùng Long là 556 lồng, vượt 306 lồng. Mặt khác, các cụm lồng nuôi vượt hơn so với đăng ký bè cá, đây cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường thủy sản.
Để đảm bảo hoạt động nuôi cá lồng trên sông Lô đạt hiệu quả và bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND huyện Đoan Hùng chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã có hoạt động nuôi cá lồng rà soát, yêu cầu các cơ sở chưa thực hiện đăng ký bè cá phải thực hiện theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi cá lồng lập hồ sơ đăng ký ban đầu trước khi thả cá giống; áp dụng các quy định về quy trình kỹ thuật. Đồng thời, tuyên truyền, thu gom việc thu gom, xử lý với xác động vật thủy sản chết; tuyệt đối không vớt xác cá vứt ra sông làm lây lan, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, thực hiện việc báo cáo dịch bện về cơ quan thú y theo quy định…
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Phú Thọ cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ tình hình phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn. Cùng đó, tập trung hướng dẫn cho các hộ nuôi cá lồng về kiến thức nuôi cá theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cấp mã cho toàn bộ số lồng nuôi cá để phục vụ cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cùng với đó, Chi cục cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hợp tác xã, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào việc phát triển nuôi cá lồng theo hướng liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm tối đa khâu trung gian, đảm bảo ổn định đầu ra.. nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi yên tâm sản suất, ổn định đời sống
Trước đó, người dân thôn Tiền Phong, xã Hùng Long phản ánh lên chính quyền xã Hùng Long về việc hoạt động khai thác cát trên sông gây ra làm cá chết hàng loạt. Ông Quyền Hồng Hà, khu Tiền Phong, xã Hùng Long chia sẻ, gia đình đầu tư hơn 200 triệu đồng mua cá giống như cá lăng, cá rô phi, cá diêu hồng, cá trắm cỏ... để nuôi trong lồng trên sông Lô. Trung bình một ngày cá chết khoảng từ 2-3 tạ, cá biệt có ngày cá chết cả tấn kéo dài trong khoảng chưa đến 10 ngày (từ 2/3 đến 8/3).
"Riêng nhà tôi, cá chết ước tính khoảng gần 12 tấn, chưa kể chết rải rác sau đó…" ông Hà chia sẻ thêm!
Ông Trần Xuân Huy, Chủ tịch UBND xã Hùng Long cho biết, theo báo cáo của các bộ phận chuyên môn, khu Tiền Phong có 12 hộ thiệt hại do cá chết rất nhiều, ngay sau đó xã cũng đã khẩn trương cử cán bộ kiểm tra, kê khai thiệt hại. Sau khi thống kê, ước khoảng hơn 37 tấn cá lồng đã bị chết, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.