Kết nối giao thương các doanh nghiệp tỉnh Long An (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Cục Thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến khảo sát, kết nối giao thương với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh Long An.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác khảo sát tại Công ty TTHH Hoàng Phát Fruit, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. 

Theo đó, Đoàn đã đến khảo sát quá trình sơ chế, đóng gói nông sản tại một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An (huyện Châu Thành), hoạt động xay xát, đóng gói lúa, gạo của Công ty TNHH Dương Vũ (huyện Thủ Thừa); tham quan vùng trồng chanh và nghe giới thiệu về các sản phẩm chế biến từ chanh của Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (huyện Bến Lức).

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, sản phẩm nông nghiệp của Long An khá phong phú như lúa gạo, thanh long, chanh không hạt, chuối, dưa hấu... Đối với lúa, năm 2022, Long An gieo sạ gần 510.000 ha, với sản lượng đạt hơn 2.860.000 tấn. Sản lượng gạo xuất khẩu bình quân trong 2 năm 2021 và 2022 là 646.250 tấn/năm. Gạo Long An đã xuất qua 40 nước và vùng lãnh thổ, chủ yếu là Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Malaysia… Riêng năm 2022, thị trường Trung Quốc chiếm 36,35% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của toàn tỉnh.

Về cây thanh long, tỉnh Long An trồng ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, thành phố Tân An… với diện tích 9.912 ha và đạt sản lượng 256.800 tấn/năm. Sản lượng thanh long xuất khẩu hơn 80% và đã xuất khẩu được tới hơn 15 nước và vùng lãnh thổ; trong đó xuất đi Trung Quốc thông qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai - Việt Nam.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty TTHH Hoàng Phát Fruit tuyển xoài xuất khẩu. 

Đối với cây chanh, Long An có hơn 11.800 ha, được trồng ở huyện Bến Lức, Thạnh Hóa, Đức Hòa với sản lượng 184.322 tấn/năm. Hiện chanh đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các nước châu Âu và một số nước châu Á…

Theo thông tin từ Cục Thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hiện nay, tỉnh Vân Nam đang tập trung tối ưu hóa môi trường kinh doanh; thúc đẩy xây dựng cửa khẩu số Hà Khẩu; tiếp tục tối ưu hóa quy trình thông quan xuất nhập khẩu, tạo điều thông quan nhanh chóng cho các nông sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp tại cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai. Vì vậy, việc khảo sát, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp của châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam với các tỉnh, thành phố có nguồn nông sản lớn của Việt Nam là việc làm quan trọng và cần thiết.

Cuộc khảo sát trên là dịp các doanh nghiệp, nhà phân phối nông sản của tỉnh Lào Cai và châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) gặp gỡ, giao lưu với các doanh nghiệp, thu mua, chế biến nông sản của tỉnh Long An; đồng thời, Long An giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh xuất khẩu nông sản của tỉnh để kết nối giao thương với thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hóa, nâng cao giá trị kim ngạch hàng hóa hai chiều trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tin, ảnh: Thanh Bình (TTXVN)
Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc

Chiều 21/4, tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, UBND tỉnh Lào Cai, Cục Thương vụ châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) phối hợp tổ chức Chương trình giao thương doanh nghiệp Việt - Trung, với sự tham gia của 150 doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 13 doanh nghiệp Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN