Ông Lê Quang Biểu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp giới thiệu tiềm năng du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn của địa phương. Nơi đây có nền ẩm thực đặc sắc với các món ăn đặc sản của vùng Đồng bằng Nam Bộ như: cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, cá rô kho tộ, canh chua cá linh non với bông điên điển, mắm kho bông súng, đặc biệt có 200 món ăn được chế biến từ các thành phần của cây sen… Bên cạnh đó, Đồng Tháp có nhiều loại trái cây miệt vườn đã trở thành thương hiệu như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, bưởi Phong Hòa…
Về du lịch, tỉnh Đồng Tháp có Vườn quốc gia Tràm Chim là khu đất ngập nước có diện tích 7.313 ha, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Tràm Chim là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và 2000 của thế giới. Nơi đây là điểm hẹn cho du khách thích trở về với thiên nhiên, cùng hệ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng và được xem là Đồng Tháp Mười thu nhỏ vì bao gồm đầy đủ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước.
Đồng Tháp có Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng thuộc xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, là vùng đất điển hình của hệ sinh thái, là lá phổi xanh của vùng Đồng Tháp Mười, tạo nơi cư ngụ và sinh sống của nhiều loài chim, cá và thực vật sinh sôi, nảy nở, với diện tích 1.670 ha, trong đó có 250 ha rừng nguyên sinh với những bưng, trấp, lau sậy, sen, súng, cà na, gáo… và sân chim hơn 36 ha, đa dạng về chủng loại và đặc biệt là loài nhan điển quý hiếm được đưa vào sách đỏ.
Tỉnh Đồng Tháp có nhiều tài nguyên văn hóa, lịch sử như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp là nơi hội tụ của những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khảo cổ và tâm linh; Khu di tích được các nhà khảo cổ xác định là một tiểu quốc của vương quốc Phù Nam. Nơi đây lưu giữ gần như khá nguyên vẹn các di tích của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Khu vực này gồm hơn 10 di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo và nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo như: Tượng thần Hindu giáo (trong đó có 2 tượng thần Vishnu được công nhận là Bảo vật Quốc gia), tượng Phật gỗ và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng gồm các lá vàng, khuyên tai vàng, nhẫn vàng, sợi dây chuyền vàng,… Hệ thống hiện vật tại đây đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Bộ sưu tập hiện vật vàng Óc Eo - Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam”.
Tại Đồng Tháp, có một số mô hình du lịch tiêu biểu như: Làng hoa kiểng Sa Đéc, Khu đồng sen Tháp Mười, Vương quốc “Quýt hồng Lai Vung” là một địa điểm thu hút khách du lịch vào dịp cuối năm...
Về lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Đoàn Thanh Bình, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết: Bằng ưu thế công nghệ của mình, Ấn Độ đã thành công trong việc chuyển đổi các tổ chức công nghệ lỗi thời thành các tổ chức kỹ thuật số hiện đại, mang lại lợi ích cho hàng triệu người dân nước này. Lời kêu gọi rõ ràng của Chính phủ Ấn Độ là áp dụng cải cách thế hệ tiếp theo bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa chính phủ và người dân bằng sử dụng công nghệ số để theo đuổi cải cách hành chính thế hệ tiếp theo với mục tiêu chính sách là “Quản trị tối đa - Chính phủ tối thiểu”.
Về mặt này, có một sự tương đồng về mặt định hướng triển khai chiến lược chuyển đổi số giữa Ấn Độ và Việt Nam, đặc biệt là với quyết tâm tiên phong thực hiện chuyển đổi số của Đồng Tháp trong nỗ lực cải cách hành chính lấy người dân làm trung tâm. Đồng Tháp đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi từ số hóa sang chuyển đổi số nhằm tạo ra một chính quyền linh hoạt, kiến tạo, hợp tác và kết nối, làm nền tảng cho việc đẩy mạnh kinh tế số, xây dựng một xã hội số phồn thịnh, trong đó chú trọng đến các lĩnh vực quan trọng hàng đầu là nông nghiệp, y tế và giáo dục.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, việc gặp gỡ, kết nối giữa tỉnh với các doanh nghiệp Ấn Độ còn tập trung thảo luận về các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho Đồng Tháp nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ thông tin dày dặn kinh nghiệm của Việt Nam và Ấn Độ. Đây là cơ sở để khởi tạo kết nối việc triển khai giải pháp, xúc tiến đầu tư giữa các doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho các tổ chức chính quyền, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đang có nhu cầu triển khai giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp, y tế và giáo dục.
Các đại biểu, doanh nghiệp Ấn Độ đề xuất việc kết nối những đường bay trực tiếp, mang đến cơ hội trải nghiệm thuận lợi cho du khách hai nước. Các nhà làm du lịch Ấn Độ đã giới thiệu về mô hình du lịch bằng tàu hỏa hành hương đến các đền, đài. Về công nghệ thông tin, các đại biểu Ấn Độ giới thiệu ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp.