Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp Ấn Độ tham gia chương trình gặp gỡ, kết nối tại Đồng Tháp hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, du lịch... Đây là các lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ và các doanh nghiệp đang mong muốn tìm hiểu đầu tư tại Đồng Tháp. Buổi gặp gỡ, kết nối sẽ đánh dấu bước khởi đầu mới của hai bên và kỳ vọng đạt được kết quả tích cực.
Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp của Ấn Độ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực thực phẩm chế biến, thủy sản và ngành hàng xoài… Theo ông Guna Seelan, đại diện bang Tamil Nadu (Ấn Độ), diện tích và sản lượng xoài của bang Tamil Nadu nhiều nhất Ấn Độ nhưng chỉ sản xuất được 1 vụ/năm, chi phí bảo quản xoài sau thu hoạch rất cao nên các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất, chế biến bột xoài. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng Tháp có thể sản xuất xoài rải vụ quanh năm. Với lợi thế nguồn nguyên liệu xoài tươi dồi dào, ổn định nên doanh nghiệp Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp có thể hợp tác đầu tư về ngành hàng này.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Đồng Tháp có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là lúa, sen, thủy sản, cây ăn quả. Để đón doanh nghiệp và nhà đầu tư, bên cạnh phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu thì tỉnh quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Lợi thế quan trọng nữa của Đồng Tháp đó là nguồn nhân lực dồi dào, với gần 1 triệu người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 73%.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp luôn nhất quán chủ trương "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", luôn tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thân thiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Môi trường đầu tư kinh doanh ở Đồng Tháp dẫn đầu khu vực khi có đến 15 năm liên tục nằm ở tóp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Hạ tầng giao thông, logistics ở Đồng Tháp từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.
Ngoài các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Trung ương, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, môi trường, công trình cấp nước sạch nông thôn, phát triển du lịch, hoạt động khoa học và công nghệ… Nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư có lợi nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng Tháp đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Tháp sẽ là trung tâm đầu mối nông nghiệp phát triển bền vững về thủy sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế trên cơ sở kế thừa các thành quả của giai đoạn 2021 - 2030.
Hiện nay, tại Đồng Tháp có 2 doanh nghiệp Ấn Độ đang đầu tư. Đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dầu gạo Sethia Hemraj, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Olam Global Agri Việt Nam. Trong số đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dầu gạo Sethia Hemraj là doanh nghiệp Ấn Độ đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực chiết xuất dầu từ cám gạo tại Đồng Tháp và đạt thành công bước đầu sau hơn 3 năm hoạt động.
Năm 2022, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 15,1 tỷ USD, dự đoán đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD. Tuy nhiên, việc kết nối giao thương giữa Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Ấn Độ vẫn còn khá khiêm tốn. Chương trình gặp gỡ, kết nối lần này là dịp giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh. Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp Đồng Tháp trao đổi để hợp tác về thương mại, đầu tư.