Hướng phát triển kinh tế mới cho vùng đất khó

Nhắc đến huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, mọi người thường liên tưởng đến chuỗi các cù lao nằm tiếp giáp biển Đông. Nơi đây, thiên nhiên khắc nghiệt, trung bình mỗi năm chịu đựng từ 3 đến 6 tháng nước nhiễm mặn tùy theo khu vực. Mùa khô năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn càng khốc liệt.

Trước tình hình trên, người dân huyện cù lao tích cực hưởng ứng chủ trương tái cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích ứng biến đổi khí hậu; biến thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển. Từ đó, mở ra trang mới cho sự phát triển bền vững ở miền đất nhiễm mặn tách biệt giữa bốn bề sông nước hôm nay. 

Chú thích ảnh
Huyện Gò Công, Tiền Giang triển khai hàng trăm điểm bơm chuyền trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống, phòng chống hạn bảo vệ lúa. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Quốc Khánh, Tân Phú Đông thành lập và ra mắt huyện vào ngày 30/4/2008 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở chia tách các xã cù lao của hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây là: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Tân Thạnh, Phú Đông và Phú Tân. Quy mô của huyện gồm trên 20.200 ha đất tự nhiên, gần 43.000 nhân khẩu sinh sống.

Dịp kỷ niệm 45 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/2020), Tân Phú Đông cũng tròn 12 tuổi. Thời gian tuy không dài nhưng đủ để huyện vươn lên, phát huy các tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề, phát triển bền vững hòa nhịp cùng quê hương Tiền Giang trên đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông - Nguyễn Quốc Khánh cho biết, địa phương phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản cũng như hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có lợi thế cạnh tranh, phù hợp đặc thù thổ nhưỡng miền đất nhiễm mặn.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải, mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp cho huyện cù lao xuyên suốt trong 12 năm qua chính dựa vào các mũi nhọn kinh tế: nuôi trồng thùy sản và hình thành các vùng chuyên canh.

Cụ thể, mở rộng diện tích dừa, mãng cầu xiêm theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, sản lượng lớn, mang tính hàng hóa cao ở các xã phía thượng lưu sông Tiền: Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh; mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa một vụ bấp bênh sang chuyên canh sả - cây màu gia vị vừa là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao ở xã Phú Thạnh, Phú Đông; đưa xã Phú Tân nằm ven biển, thành xã chuyên về ngư nghiệp: nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh hoặc nhân rộng mô hình một vụ lúa + một vụ tôm; mở rộng diện tích nuôi tôm xuất khẩu ở các địa bàn trồng trọt khó khăn…

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Nhỏ cho biết, hội viên nông dân địa phương đóng vai trò chủ đạo trong phát huy tốt các tiềm năng đất đai, lao động làm giàu thông qua phong trào thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi hàng năm. Qua đó, ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp với đặc thù vùng đất nhiễm mặn.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật đang được nông dân áp dụng phổ biến như 3 giảm 3 tăng, quản lý dịch hại tổng hợp, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, bón phân hợp lý, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và sản xuất theo tiêu chí VietGAP… trên lĩnh vực trồng trọt; đa dạng hóa vật nuôi, nuôi dê, nuôi bò thích ứng biến đổi khí hậu… trên lĩnh vực chăn nuôi; nhân rộng mô hình 1 vụ tôm + 1 vụ lúa, ứng dụng khoa học công nghệ… trong nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.

Đặc biệt, mô hình nuôi 1 vụ tôm + 1 vụ lúa (gọi tắt là tôm – lúa) đang được bà con vùng ven biển Tân Phú Đông áp dụng rất hiệu quả đã mở ra hướng phát triển bền vững cho kinh tế hộ, tăng thêm nguồn nông sản hàng hóa có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu, thay đổi diện mạo miền đất mặn cồn bãi hạ lưu sông Tiền.

Đi tiên phong trong mô hình này có ông Hà Văn Hải, cư ngụ tại xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông) - xã chuyên ngư duy nhất tỉnh Tiền Giang.

Gia đình ông Hải canh tác 5 ha,  ông thả tôm sú hoặc tôm thẻ mật độ thưa, từ 3 con đến 5 con/m2 mặt nước, ngoài ra, còn thả thêm cua biển giống… kết hợp nguồn tôm cá tự nhiên ngoài môi trường theo hệ thống cống lấy nước vào sinh sống trong ao tôm được nuôi vỗ béo bằng nguồn thức ăn viên bổ sung. 

Ông Hà Văn Hải cho biết, hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi ròng từ 360 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Nhờ “con tôm ôm cây lúa”, gia đình ông đã tạo dựng cơ nghiệp nơi hạ lưu sông Tiền.

Theo gương ông, bà con xung quanh cùng hưởng ứng áp dụng mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu đồng thời liên kết sản xuất làm ăn tập thể kiểu mới để chia sẻ kinh nghiệm, khắc phục khó khăn, cùng làm giàu bền vững.

Hiện diện tích sản xuất theo mô hình tôm + lúa tại địa phương đã mở rộng lên trên 500 ha. Đặc biệt, còn hình thành Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Phú Tân với 31 hộ nông dân tham gia trên diện tích 115 ha do ông Hà Văn Hải làm tổ trưởng áp dụng mô hình luân vụ lúa + tôm. 

Ông Lê Công Lữ, tại ấp Gảnh, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang nhiều năm nay nổi tiếng với mô hình sản xuất đa canh thích ứng với biến đổi khí hậu. Gia đình ông canh tác 6,5 ha ở khu vực giáp với biển Đông thường xuyên đối mặt thiên tai, hạn mặn và dông lốc.

Theo ông Lê Công Lữ, để khắc phục, ông chuyển đổi sản xuất theo hướng cải tạo trồng dừa và cất chuồng trại chăn nuôi dê theo mô hình VAC. Đây là những cây trồng vật nuôi chịu được hạn mặn và thời tiết khắt nghiệt ven biển, mỗi năm, ông thu nhập trên 300 triệu đồng từ mô hình trên.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Nhỏ cho biết, trong năm 2019 vừa qua, toàn huyện bình chọn được 3.668 hộ nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi ba cấp; trong đó, có 322 hộ cấp tỉnh, 19 hộ đạt cấp Trung ương. Là địa phương thuần nông, các nông dân trên chính là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và làm giàu nông thôn, đưa nông nghiệp – nông dân – nông thôn đi lên, diện mạo miền cồn bãi cù lao sang một trang mới giàu đẹp và thịnh vượng.
 
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Quốc Khánh đánh giá, nhờ vậy, giúp địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 42,47% vào năm 2008, xuống chỉ còn khoảng 16,33% mà thôi. Trung bình mỗi năm, giảm từ 3 đến 4% hộ nghèo. Sau 12 năm thành lập, địa phương mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 7.050 ha, tăng hơn gấp đôi so với trước đây.

Tương tự, diện tích dừa Tân Phú Đông đã tăng từ mức chưa đầy 500 ha lên gần 1.260 ha hiện nay. Cây mãng cầu xiêm cũng tăng diện tích hơn gấp đôi, từ xấp xỉ 260 ha cách đây 12 năm lên gần 780 ha, hình thành vùng chuyên canh tập trung tại các xã trọng điểm: Tân Phú, Phú Thạnh, Tân Thạnh. 

Đặc biệt, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng và mùa vụ thích ứng biến đổi khí hậu, Tân Phú Đông đã xây dựng được vùng chuyên canh sả trên nền đất lúa 1 vụ ở các xã ven biển trước đây: Phú Thạnh, Phú Đông và một phần xã Phú Tân với diện tích lên đến 1.900 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Từ đó, diện tích lúa 1 vụ giảm xuống chỉ còn khoảng 200 ha.

Cuối tháng 8/2019 vừa qua, cây sả Tân Phú Đông cũng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là bước đi đầu tiên mở đường cho cây trồng đặc sản địa phương vươn lên, chiếm lĩnh thị trường trong ngoài nước.

Năm 2020, Tân Phú Đông đặt mục tiêu nỗ lực vượt qua khó khăn, hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai, phấn đấu đạt sản lượng cây trồng chủ lực gồm sả thương phẩm trên 28.000 tấn, 7.800 tấn mãng cầu xiêm, 2.500 tấn rau màu, trên 23.000 tấn tôm sú và tôm thẻ…

Từ chỗ khó khăn bộn bề, nhờ các chính sách và chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống, sau 45 năm miền Nam giải phóng, 12 năm thành lập huyện, vùng cồn bãi, cù lao Tân Phú Đông đã sang trang, trở thành một trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa  đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu quan trọng ở hạ lưu sông Tiền của tỉnh Tiền Giang.

Minh Trí (TTXVN)
'Giải hạn' nước sinh hoạt cho vùng hạn mặn Gò Công Tây
'Giải hạn' nước sinh hoạt cho vùng hạn mặn Gò Công Tây

Mùa khô năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt, kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống trên diện rộng tỉnh Tiền Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN