Quan hệ hợp tác GTVT giữa Việt Nam với các nước ngày càng được củng cố thì kết nối giao thông càng mở rộng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế xã hội nước ta phát triển.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT), đến nay, ngành GTVT đã ký kết, gia nhập và thực hiện 50 điều ước quốc tế về giao thông, qua đó góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế về phát triển hạ tầng. Đặc biệt, việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm 2015 đã đánh dấu bước ngoặt mới về phát triển giao thông trong khu vực ASEAN.
Giao thông thủy Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế. Ảnh: Bộ GTVT |
Đơn cử, trong lĩnh vực hàng không, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT đã ký kết, gia nhập 24 điều ước quốc tế với các quốc gia trên thế giới. Nhờ chủ động mở cửa bầu trời, hàng không Việt Nam đã khẳng định được vị thế và có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường hàng không khu vực. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air, Jetstar Pacific cũng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, hàng không Việt Nam đã vươn tới hầu hết các châu lục trên thế giới, tham gia mạng lưới hơn 50 đường bay quốc tế. “Giấc mơ” mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ cũng không lâu nữa sẽ được Vietnam Airlines biến thành hiện thực. Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, tăng cường hợp tác quốc tế lĩnh vực hàng không đã góp phần giúp các hãng hàng không Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số, mỗi năm tăng trung bình 14%/năm về hành khách và 17% về hàng hóa. Thị trường hàng không Việt Nam được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là một trong 7 thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Đối với lĩnh vực hàng hải, đến nay, Bộ GTVT đã trình Quốc hội thông qua Bộ luật Hàng hải sửa đổi và tham gia 13 điều ước quốc tế. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến tàu biển thông qua cơ chế một cửa quốc gia đã thực sự tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hàng hải. Đặc biệt, năm 2014, theo báo cáo của Tổ chức các quốc gia tham gia Bản ghi nhớ Tokyo về hợp tác kiểm tra tàu tại các cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo-MOU), đội tàu biển Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách "đen" (danh sách đen là quốc gia có số tàu bị nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng và thường xuyên bị lưu giữ tại cảng biển của các nước thành viên) để bước vào danh sách "trắng" của tổ chức này.
Còn đối với các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, Bộ GTVT đang nghiên cứu mở các tuyến kết nối giao thông xuyên biên giới và triển khai kiểm tra "một cửa một lần dừng" tại các cửa khẩu biên giới với các nước láng giềng, nhằm kết nối các mạng lưới vận tải liên vận để hợp tác và khai thác vận chuyển hàng hóa, hành khách…
Về đường bộ, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối hạ tầng giao thông đường bộ với các nước láng giềng, ưu tiên tập trung hoàn thành đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ thuộc mạng đường bộ ASEAN, thúc đẩy thực hiện Chương trình xây dựng mạng đường bộ xuyên Á, đồng thời xây dựng hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới trong khuôn khổ hợp tác ASEAN vào thực tế.
Đối với đường sắt, hiện nay Bộ GTVT đang mở cửa mời gọi đầu tư nước ngoài để xây dựng tuyến đường sắt đôi tốc độ cao Bắc - Nam khổ 1.435 mm, hoàn thiện các tuyến đường sắt xuyên Á, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Thống kê đến cuối năm 2015, Bộ GTVT đã triển khai 25 dự án ODA, với tổng nguồn vốn tới hơn 9,8 tỷ USD, chủ yếu của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia, Pháp, Trung Quốc và các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Bộ GTVT đang tích cực triển khai thực hiện các chương trình và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2020. Với nhiều nỗ lực, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt, hiện xếp hạng 67/140 nước, tăng 36 bậc từ năm 2010 đến nay. |