Ngoạn mục kéo giảm tai nạn giao thông

Bài học kinh nghiệm để kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trong 5 năm 2011-2015 là khi cả hệ thống chính trị xã hội và địa phương vào cuộc, TNGT sẽ dần tự triệt tiêu

Từ top cuối lên top đầu 

Thái Nguyên là một trong số tỉnh thuộc “top” đầu cả nước đã kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất trong 5 năm 2011-2015, với tỷ lệ giảm liên tục từ 13 - 25%/năm.

Giai đoạn 2006 - 2010, TNGT tại địa phương liên tục tăng mạnh, thuộc “top” cuối cả nước, do đó Ban ATGT tỉnh đã xây dựng đề án “Kiềm chế và đẩy lùi TNGT giai đoạn 2011-2015”, trong đó kiến nghị tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, các ban ngành cùng vào cuộc kiềm chế TNGT. Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban ATGT tỉnh trao đổi: Tại các buổi giao ban UBND tỉnh định kỳ tuần, tháng, quý, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đều được coi là nhiệm vụ trọng tâm và được ban ATGT tỉnh cập nhật số liệu TNGT hàng tuần để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo kịp thời. 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị

Theo ông Phụng, tỉnh Thái Nguyên đã phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các thành viên Ban ATGT và cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã. Điểm nhấn nổi bật nhất trong công tác đảm bảo TTATGT ở địa phương 5 năm qua là tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên trong từng khu dân cư để nâng cao ý thức, thay đổi hành vi tham gia giao thông của từng người dân. Hình thức tuyên truyền sinh động, từ xây dựng chuyên mục, thi viết về ATGT, thi trên internet đến các chiến dịch tuyên truyền trực tiếp tại bản, làng, thôn, xóm, cụm dân cư, trên đường phố... đã thu hút hàng trăm nghìn lượt học sinh, sinh viên, người cao tuổi tham gia hưởng ứng. 

“Năm 2010, Thái Nguyên là một trong 10 tỉnh có TNGT tăng bị Thủ tướng Chính phủ phê bình. Đến năm 2014, Thái Nguyên đã vượt lên vị trí 8 tỉnh có TNGT giảm trên 20%, được Chính phủ biểu dương và tặng bằng khen. Số người chết do TNGT năm 2014 đã giảm 55,05% so với năm 2010. Đó là kết quả rõ nhất của việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc”, ông Phụng nói.

Hiệu ứng của cả xã hội

Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020 tại Hà Nội ngày 8/12 cho thấy, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã trở thành phong trào thi đua của các địa phương, giữa các địa phương, như một hiệu ứng dây chuyền của cả xã hội để kéo giảm TNGT xuống một cách ngoạn mục.

Tăng cường xử lý xe quá tải cuối năm

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã cám ơn và hoan nghênh các địa phương, các đoàn thể, các tổ chức, các ban ngành đã cố gắng kéo giảm TNGT, nhất là trong bối cảnh phương tiện giao thông tăng nhanh như hiện nay. Kết quả 5 năm qua rút ra được bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như biện pháp để giảm TNGT trong thời gian tới; trong đó lấy công tác tuyên truyền, áp dụng khoa học công nghệ, tăng cường thanh tra kiểm soát, đầu tư phương tiện hiện đại, phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo ATGT... là những giải pháp căn cơ.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng, so sánh giữa năm 2011 với năm 2015, số vụ TNGT đã giảm 22.603 vụ (từ 44.548 vụ/năm 2011, xuống 21.945 vụ/năm 2015), tương đương -50,7%, bình quân giảm -10,1%/năm. Chỉ tiêu số người thiệt mạng tính bình quân trên 100.000 dân đã giảm từ 12,97 người/100.000 dân (năm 2011) xuống còn 9,58 người/100.000 dân (năm 2015), tương đương mức giảm 26,1% khi so sánh giữa cuối nhiệm kỳ so với đầu nhiệm kỳ.

Có được kết quả này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Trong 5 năm qua, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp đã cải thiện tình hình TTATGT. Ùn tắc, tai nạn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng dần triệt tiêu; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh (khoảng 85%); người dân đã có nhận thức và ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây mất TTATGT và trật tự xã hội trên đường thủy nội địa được đấu tranh, ngặn chặn; số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế… 

11 tháng đầu năm 2015 (tính từ ngày 16/12/2014 - 15/11/2015 ) có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT, trong đó 11 địa phương giảm trên 15% số người chết là: Tây Ninh, Tiền Giang, Bạc Liêu, Ninh Bình, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Đồng Nai, Long An, Tuyên Quang, Quảng Trị. Đặc biệt Tây Ninh, Tiền Giang giảm trên 20% số người chết do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn 13 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 8 tỉnh tăng trên 10% là: Hà Tĩnh, Kiên Giang, Yên Bái, Nam Định, Cà Mau, Gia Lai, Trà Vinh, Bắc Kạn.

Còn theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 5 năm qua, cả nước xảy ra 677 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài, chủ yếu trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và khu vực đông dân cư, đô thị lớn thuộc các địa phương: Thanh Hóa, Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Nguyên nhân chính là do TNGT, xe hỏng, sạt lở, sửa chữa, thi công cầu, đường và lễ hội. Hiện Hà Nội còn 44 điểm ùn tắc, giảm 34 điểm so với năm 2011. TP HCM không còn vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút.

Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Trong thời gian gần đây, ùn tắc giao thông kéo dài tại các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại bắt đầu diễn biến phức tạp. Trong mùa mưa, lũ thường gây sạt lở đất, ngập sâu, đã gây ùn tắc giao thông tại một số địa phương. Các tỉnh phía Nam tuy không xảy ra mưa, lũ lớn, nhưng do ảnh hưởng của mưa và triều cường đã gây ra hiện tượng úng ngập cục bộ dẫn đến ùn tắc giao thông. Ủy ban ATGT Quốc gia đặt ra mục tiêu từ năm 2016-2020 tiếp tục giảm hàng năm từ 5%-10% số vụ, số người chết, số người bị thương; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; tiếp tục thực hiện năm ATGT theo từng chủ đề phù hợp, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Tiến Hiếu
12.000 lái, phụ xe Hà Nội được tập huấn ATGT
12.000 lái, phụ xe Hà Nội được tập huấn ATGT

Ngày 4/10, Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Công an TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt và công tác phòng chống tội phạm cho các lái, phụ xe khách liên tỉnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN