Hoàn thiện theo yêu cầu thực tiễn và bối cảnh quốc tế
Theo khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên (các SAI) cần phải xây dựng và ban hành hệ thống khuôn khổ quy định nghề nghiệp hay hệ thống các văn bản quy định về chuyên môn nghiệp vụ để trở thành một cơ quan thực hiện kiểm toán lĩnh vực công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại.
Để cung cấp cơ sở cho các các SAI thành viên xây dựng hệ thống chuẩn mực kiểm toán và các hướng dẫn kiểm toán chất lượng cao chuyên nghiệp, INTOSAI đã xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế và không ngừng cập nhật, hoàn thiện theo yêu cầu thực tiễn và bối cảnh quốc tế. Trên cơ sở Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI, các SAI thành viên đã xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán và các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của mình phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế cũng như trình độ và thực tiễn hoạt động kiểm toán của từng quốc gia.
Là thành viên của INTOSAI từ năm 1996, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ các quy định về chuyên môn nghiệp vụ, Kiểm toán nhà nước Việt Nam luôn tham khảo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán và các hướng dẫn chuyên môn của INTOSAI một cách phù hợp theo từng thời kỳ. Khuôn khổ quy định nghề nghiệp của Kiểm toán nhà nước bao gồm: Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước, Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước Việt Nam, các quy định về tổ chức và hoạt động kiểm toán, các quy định về công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, đánh giá chất lượng kiểm toán...
Hiện nay, trước những yêu cầu mới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán nhà nước theo hướng cập nhật với Hệ thống chuẩn mực kiểm toán do INTOSAI ban hành; tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước và luật pháp của Việt Nam có liên quan; phù hợp với thể chế, cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện, môi trường hoạt động và trình độ phát triển của Kiểm toán nhà nước.
Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước quy định trình tự, thủ tục tiến hành các công việc của cuộc kiểm toán do Kiểm toán nhà nước thực hiện; được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán nhà nước và thực tiễn hoạt động kiểm toán.
Đối với một số chuẩn mực Kiểm toán nhà nước mang tính chuyên môn sâu như đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, thu thập bằng chứng kiểm toán, lấy mẫu kiểm toán, hình thành ý kiến kiểm toán…, Kiểm toán nhà nước đã cụ thể hóa thành các hướng dẫn cụ thể hơn như: Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo quyết toán dự án đầu tư; trong kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp; trong kiểm toán báo cáo tài chính ngân hàng; trong kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán…
Bên cạnh đó, các văn bản quy định về tổ chức, hoạt động kiểm toán và kiểm soát hoạt động kiểm toán cũng thường xuyên được cập nhật, hoàn thiện như: Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán; Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Quy định danh mục hồ sơ kiểm toán; chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước...
Ngoài ra, với vai trò tài liệu hóa hoạt động kiểm toán, Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán cũng được xây dựng và hoàn thiện nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa trong ghi chép, phản ánh diễn biến, nội dung, kết quả kiểm toán, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán, góp phần chính quy và chuyên nghiệp hoá hoạt động kiểm toán.
Nâng cao uy tín của Kiểm toán nhà nước
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống các văn bản chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm toán nhà nước đã không ngừng được hoàn thiện một cách toàn diện và từng bước chuyên nghiệp phù hợp với trình độ phát triển của Kiểm toán nhà nước cũng như chuẩn mực và thông lệ quốc tế; góp phần cùng với Luật Kiểm toán nhà nước tạo nên sự thống nhất và đồng bộ của khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
Mặc dù vậy, trong nhiều thời điểm các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, các văn bản quản lý, kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước còn chưa được cập nhật kịp thời, rà soát thường xuyên khi có sự thay đổi của các quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước và các luật liên quan; đồng thời, quá trình áp dụng vào thực tiễn hoạt động của Kiểm toán nhà nước còn có những vướng mắc, bất cập nhất định cần tiếp tục phải được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.
Để đảm bảo yêu cầu đó, trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết hơn 7 năm áp dụng Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước ban hành năm 2016, Kiểm toán nhà nước rà soát, sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo tính kế thừa, tính khả thi và phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động kiểm toán, các quy định pháp luật mới hiện hành. Đồng thời, Tổ soạn thảo cũng sẽ cập nhật, bổ sung những nội dung mới theo ISSAI - Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán do Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) ban hành năm 2019 và có hiệu lực gần đây nhất. Như vậy, đây là hướng sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước để đáp ứng được các yêu cầu mới.
Đối với những quy định hoặc vấn đề mang tính chất hướng dẫn cụ thể, chi tiết về mặt kỹ thuật, tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước sẽ không đưa vào Hệ thống Chuẩn mực sửa đổi lần này. Những vấn đề đó sẽ được nghiên cứu, xây dựng thành các hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn các nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật cũng như vấn đề về tổ chức, quản lý trong hoạt động kiểm toán để đảm bảo tính ổn định, tính linh hoạt trong việc thực hiện chuẩn mực sau này.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước không chỉ đóng vai trò là kim chỉ nam cho tổ chức, hoạt động của Kiểm toán nhà nước, mà đặc biệt giá trị về mặt pháp lý (là văn bản quy phạm pháp luật) cho hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; là điều kiện đảm bảo tính chuyên nghiệp hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; đồng thời cũng là điều kiện để đảm bảo các vấn đề có tính nền tảng triết lý kiểm toán công.
Đây là cơ sở pháp lý cũng như các quy định có tính nguyên tắc và chuẩn chỉ, mực thước, mang tính bắt buộc đối với tổ chức, hoạt động Kiểm toán nhà nước, kiểm toán viên nhà nước và các đối tượng liên quan. Đồng thời, Hệ thống Chuẩn mực cũng đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề về phát triển bền vững cũng như nâng cao uy tín và độ tin cậy của Kiểm toán nhà nước.
Việc sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề phát triển bền vững về tổ chức, hoạt động cũng như nâng cao vị thế, uy tín của Kiểm toán nhà nước trong thời gian tới.