Thước đo tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán
Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu lực, hiệu quả của hoạt động Kiểm toán nhà nước. Báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị khi kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời. Đặc biệt, kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng trở thành thông tin quan trọng, độc lập, phục vụ Quốc hội trong giám sát tối cao cũng như trong xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, quyết định dự toán ngân sách nhà nước; giúp HĐND các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương…
Xác định rõ điều này, những năm qua, Kiểm toán nhà nước đã triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Hằng năm, cùng với việc tổ chức thực hiện tốt kế hoạch kiểm toán, Kiểm toán nhà nước còn lồng ghép nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán...
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị quyết của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước đã quán triệt công khai kết quả kiểm toán là nhiệm vụ quan trọng. Báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán; Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm hằng năm đều được công khai ngay trên Cổng Thông tin điện tử của Kiểm toán nhà nước.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước Đặng Văn Hải cho biết: Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện. Việc chấp hành kiến nghị kiểm toán chính là thể hiện tính kỷ luật, thượng tôn pháp luật. Các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước được thực thi còn góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản quốc gia; hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia…
Nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán và các cơ quan quản lý đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc đôn đốc và triển khai thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán không ngừng được nâng cao, với tỷ lệ thực hiện năm sau cao hơn năm trước.
Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, phần lớn các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã được các đơn vị nỗ lực, nghiêm túc thực hiện (bình quân khoảng 75 - 80% cho năm liền kề năm kiểm toán) và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo đối với số kiến nghị còn lại mỗi năm với tỷ lệ khoảng 15 - 20%. Tuy nhiên, còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời; trong đó, các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2021, năm 2020 và năm 2019 trở về trước chưa thực hiện, đang được Kiểm toán nhà nước theo dõi, đôn đốc.
Tính đến 31/3/2023, tổng số các kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị; tổng số các kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị.
Đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị
Thực tiễn hoạt động của Kiểm toán nhà nước đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong xu thế đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước theo mô hình quản lý công mới - với mục tiêu đổi mới toàn diện nhằm cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, tăng cường quản trị công hiệu quả, hiệu lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thích ứng với bối cảnh, điều kiện, tình hình mới.
Tuy nhiên, khi các kết luận, kiến nghị kiểm toán không được thực thi, chấp hành nghiêm túc sẽ khiến cho các quy định pháp luật không đạt được tính hiệu lực, hiệu quả; mục tiêu giúp cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công quốc gia không thể đạt được.
Các chuyên gia cho rằng, việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện, thực hiện không đúng, đủ kiến nghị kiểm toán một mặt khiến cho các đơn vị được kiểm toán không thể thu hồi tiền sử dụng sai mục đích về cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, bản thân đơn vị, các cá nhân, tập thể có liên quan phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, thậm chí là trước pháp luật.
Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh khẳng định, Kiểm toán nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính cao nhất của quốc gia, có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá và xác minh tính đúng đắn, trung thực cũng như độ tin cậy của các thông tin về tài chính, ngân sách. Các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước phải được các cơ quan liên quan, các đối tượng được kiểm toán tôn trọng, chấp hành và thực hiện.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều kiến nghị kiểm toán bị tồn đọng. Trong đó có nhóm nguyên nhân thuộc về khách quan, tức là kiến nghị kiểm toán rất đúng, thời điểm đưa ra kiến nghị rất xác đáng nhưng sau đó do biến động tình hình, đặc biệt là các đối tượng phải thực hiện kiến nghị có sự thay đổi như: doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc một số chủ thể cải tổ, sắp xếp, thay đổi bộ máy, biên chế, con người… đã khiến việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán khó khăn, thậm chí không còn khả năng thực hiện được.
Đối với nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách, nguyên nhân chưa thực hiện chủ yếu là do quá trình sửa đổi, thay thế hoặc bổ sung liên quan đến cơ chế, chính sách thường mất nhiều thời gian hoặc phải đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phải chờ để sửa đổi đồng bộ cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bên cạnh đó, một số kiến nghị do đơn vị chưa báo cáo tình hình thực hiện nên Kiểm toán nhà nước chưa nắm bắt được kết quả thực hiện; trong khi đó, trước năm 2023, Chính phủ chưa có một đầu mối đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về cơ chế chính sách.
Xác định phần lớn kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện thuộc về trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán, cũng như vướng mắc do cơ chế, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và đại biểu Quốc hội cho rằng, để việc thực hiện kiến nghị đạt kết quả cao cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, song trước tiên, kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đảm bảo tính chính xác, thuyết phục.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã rất nỗ lực, cố gắng trong theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán nhưng kết quả đạt được chưa như mong đợi. Thời gian tới, Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục khắc phục các bất cập, hạn chế để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đưa ra rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị.
Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy trình, chuẩn mực, các hướng dẫn của Ngành, thực hiện đầy đủ các quy định của đoàn kiểm toán; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thu thập bằng chứng, ghi nhật ký kiểm toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; thường xuyên phối hợp, trao đổi với đơn vị kiểm toán nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận để đưa ra kết luận, kiến nghị rõ ràng, khả thi; đồng hành với các đơn vị, địa phương tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực hiện kiến nghị kiểm toán…