Trước tình trạng hàng trăm hộ nuôi trồng thủy hải sản lồng bè tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu rơi vào cảnh khó khăn vì thủy hải sản liên tục rớt giá, không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh sẽ hỗ trợ người nuôi thủy sản thủ tục giãn nợ và vay thêm vốn.
Ông Trần Văn Cường cho biết, trước tình hình dịch bệnh, các nhà máy chế biến thủy hải sản tạm ngừng thua mua, bên cạnh đó, các nhà hàng, quán xá cũng phải đóng cửa nên giá cả và sức tiêu thụ thủy sản nuôi lồng bè bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra đối với các hộ nuôi trồng thủy hải sản lên UBND tỉnh.
Trước mắt, Sở sẽ hỗ trợ nông dân các thủ tục tiến hành về việc giãn nợ, giảm lãi suất, vay thêm vốn ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ, nhằm duy trì và tái đầu tư. Song song đó, Sở cũng hướng dẫn, tư vấn các hộ nuôi trồng cần giảm gia tăng mật độ nuôi trồng thủy hải sản trong gia đoạn này để tránh tình trạng cung vượt cầu.
Ngoài các biện pháp trước mắt, về lâu dài Sở sẽ tiếp tục triển khai, sắp xếp các cơ sở nuôi lồng bè như: tổ chức di dời và sắp xếp ổn định vị trí các bè nuôi trong vùng quy hoạch, tiếp tục đo đạc, lập bản vẽ cho các cơ sở nuôi nằm trong vùng quy hoạch.
Việc sắp xếp lại lồng bè cũng nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe của vật nuôi thủy sản, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thuận lợi cho quản lý nhà nước, cũng như kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, thời gian tới Sở cũng sẽ sớm hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản, để người dân có cơ sở tiếp tục vay vốn ngân hàng tái đầu tư.
Thời gian gần đây, người nuôi cá lồng bè trên địa bàn xã Long Sơn phản ánh thủy sản nuôi tại các lồng bè không tiêu thụ được, cá đến kỳ xuất bán, lượng tiêu thụ thức ăn tăng chóng mặt, giá thì rẻ như cho nhưng không ai mua. Đặc biệt, khi mùa mưa đang đến gần người nuôi cá càng lo sợ hơn, khi có một cơn mưa lượng oxy trong nước thay đổi đột ngột rất dễ khiến rủi ro cao khi cá chết…
Hai tháng nay, ông Trần Thanh Thảo, ngụ thôn 10, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu lo lắng, đứng ngồi không yên vì hơn 100 lồng bè nuôi cá chẽm, các bớp đã tới kỳ xuất bán nhưng không có thương lái tới thu mua. Ông Thảo cho biết, từ năm 2011, gia đình ông bắt đầu đầu tư nuôi cá lồng bè trên sông Sông Chà Va và Mỏ Nhác với khoảng 200 lồng, chủ yếu là cá bớp, cá chẽm, cá chim.. trung bình mỗi năm ông xuất bán khoảng hơn 50 tấn các loại, thu về khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra giá cá bắt đầu rớt mạnh. Ông Thảo cho biết, nếu trước đây, giá các loại cá như cá bớp giao động khoảng 100.000-110.000 đồng/kg, nay chỉ còn 70.000 đồng/kg, cá chẽm luôn ở mức giá từ 180.000 – 220.000 đồng/kg thì nay chỉ con 120.000 đồng/kg, với giá nay, người nuôi chắc chắn lỗ nặng. Tuy nhiên, dù giá đang ở mức rất thấp nhưng người nuôi vẫn không bán được vì không có thương lái thu mua.
Cũng theo ông Thảo, để đầu tư nuôi cá lồng bè hầu hết người nuôi phải cầm cố sổ đỏ để vay vốn từ các ngân hàng, nên điều người nuôi thủy sản lồng bè như ông lo sợ nhất hiện nay cùng với việc cá không bán được, rớt giá là các khoản nợ cùng lãi suất ngân hàng ngày một tăng lên.
Theo ông Trần Thanh Thảo, để giảm bớt chi phí, hiện mỗi ngày ông chỉ cho cá ăn 1 bữa để duy trì, dù đã giảm tối đa song mỗi ngày ông vẫn phải bỏ ra chi phí khoảng 15 triệu mua thức ăn (trung bình 1 tấn/ngày) cho cá, dù cả mấy tháng nay không bán được cá, nhưng trung bình mỗi tháng gia đình ông đều phải trả chi phí xấp xỉ gần nửa tỷ đồng để duy trì. “Nếu như cho cá ăn theo đúng quy định 2 lần/ngày thì chí phí sẽ còn tăng gấp đôi, nhưng hiện giờ nguồn vốn đầu tư xoay vòng không có, nên giải pháp trước mắt là giảm bữa ăn xuống còn 1 nửa cho cá”, ông Thảo cho biết thêm.
Theo các hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè tại Long Sơn, dù cá có bán được hay không, hàng tháng các hộ nuôi vẫn phải trả chỉ tra các khoản như lãi suất ngân hàng, chi phí thuê nhân công chăm sóc và trông lồng bè. Ngoài ra, những năm trước đây, các đại lý cám thường cung cấp trước, lấy tiền sau khi bán cá, nhưng hiện nay khó khăn chung nên nhiều đại lý bắt thanh toán tiền mặt mới bán cám.
Chưa dừng lại ở đó, ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, giá cám các loại đồng loạt tăng lên 200 – 300 đồng/kg, do khó khăn về nguyên liệu nên giá tăng theo. Tuy giá tăng không nhiều, song tại thời điểm này, nếu cộng dồn lại thì chi phí người nông dân bỏ ra cũng không hề nhỏ.
Không chỉ người nuôi cá, mà tại xã Long Sơn, các hộ nuôi hàu cũng đang trong tình trạng tương tự khi mà hiện nay, giá hàu bị đẩy xuống mức thấp chỉ 32.000 -38.000 đồng/kg (trước đây khoảng 42.000 đồng/kg). Ông Bùi Văn Chính, tổ 1, thôn 7 xã Long Sơn cho rằng, tuy hàu không phải mất các chi phí hàng ngày như thức ăn, công chăm sóc, song trong thời điểm này hàu không bán được sẽ ảnh hưởng tới việc hàu quá lứa sẽ bị rơi xuống sông, hao hụt lớn cho người nuôi.
Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, hiện địa phương có 533 hộ nuôi hàu và 275 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà và, sông Dinh và sông Rạng, với diện tích khoảng 2.955 ha, chủ yếu là các loại các như mú, chẽm, chim, cá bớp, tôm kẹt và hàu, sản lượng trung bình hàng năm khoảng 4.000 tấn. Do ảnh hưởng có dịch bệnh COVID-19, khiến việc tiêu thụ thủy hải sản tại địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, giá cả bị đẩy xuống thấp.
Hiện nay thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủy hải sản tại địa phương còn phụ thuộc vào thương lái là chủ yếu, do vậy khi dịch bệnh xảy ra, thủy hải sản không tiêu thụ được khiến nhiều người dân gặp khó khăn. Hiện, địa phương cũng đã báo cáo tình hình khó khăn của người nuôi thủy sản lồng bè lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để Sở báo cáo lên tỉnh có phương án sớm hỗ trợ người nuôi vượt qua thời kỳ khó khăn này.