Điển hình như: tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; khai trương và trưng bày, giới thiệu sản phẩm; ký kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm; khai trương phần mềm kết nối cung - cầu… Trong đó, việc tổ chức các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn thực sự đã trở thành cầu nối đưa nhiều sản phẩm bảo đảm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Đi vào hoạt động và xuất bán lứa rau thương mại đầu tiên vào năm 2018, hiện nay, Trang trại rau thủy canh Queen Farm của anh Trần Văn Tân, thôn Dục Tú, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương được đánh giá là mô hình có quy mô lớn nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện mới chỉ một bộ phận nhỏ người dân biết đến và sử dụng các sản phẩm rau thủy canh phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.
Anh Tân chia sẻ, từ khi xuất bán sản phẩm thương mại đầu tiên, việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm luôn được trang trại đặc biệt quan tâm. Queen Farm đã lập một website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, hiệu ứng mang lại chưa cao, bởi đại đa số người dân vẫn chưa biết nhiều đến sản phẩm rau thủy canh. Từ khi tham dự Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, các sản phẩm của trang trại đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng.
Gần đây nhất, khi tham gia hội chợ trưng bày, giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019, Trang trại Queen Farm mang đến nhiều sản phẩm do trang trại sản xuất như dưa lưới Taki Nhật Bản, cà chua bi bi, dưa leo… cùng hơn 20 loại rau thủy canh các loại. Các sản phẩm tươi ngon, trình bày bắt mắt đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Sau hai ngày tham gia hội chợ, gian hàng đã thu về 380 triệu đồng. Điều quan trọng là nhiều người dân chưa từng biết đến sản phẩm rau thủy canh đã có thêm một địa chỉ mới để lựa chọn sản phẩm an toàn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.
Những ngày gần đây, nhiều gia đình, tổ chức, doanh nghiệp tìm đến Trang trại Queen Farm để tham quan và ký hợp đồng cung ứng. Theo đó, ngoài những đơn vị phân phối cũ, sau hội nghị kết nối, trang trại đã ký thêm nhiều hợp đồng cho các nhà hàng, khách sạn, trường học, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Tiêu biểu như: chuỗi nhà hàng Dạ Lan, Trường Mầm non Vườn Mặt trời; chuỗi siêu thị mini Vinmart; Coopmart Thanh Hóa... Đây là hiệu ứng đáng mừng, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn.
Bà Phạm Thị Mai Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, Hội đã xây dựng được các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn rải đều ở khắp các huyện thị, thành phố. Từ khi tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu; các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, nhiều người tiêu dùng đã biết đến địa chỉ các gian hàng kinh doanh thực phẩm sạch của Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa để đến mua sắm, lựa chọn những sản phẩm an toàn. Thông qua các hoạt động kết nối, Hội đã ký hợp đồng với nhiều đơn vị hỗ trợ như Tổ chức Tài chính vi mô, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hỗ trợ kỹ thuật Nông nghiệp sạch với công ty Tiến Nông; kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Dạ Lan, Siêu thị Coopmart….
Với hệ thống hàng trăm cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch do phụ nữ làm chủ phân bổ khắp 27 huyện, thị, thành phố, việc tham gia các Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn do UBND tỉnh tổ chức là cơ hội để những sản phẩm sạch do phụ nữ làm ra đến được tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là dịp để hội viên, phụ nữ các dân tộc, các vùng miền trên địa bàn tỉnh giới thiệu nhiều sản phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống của mỗi địa phương.
Có thể khẳng định, việc kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm đã giúp cho không ít sản phẩm được đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, hệ thống siêu thị, cũng như chuỗi nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Đây còn là nơi để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản; nắm bắt xu thế thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng. Từ đó, các đơn vị có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, định hướng chiến lược kinh doanh, nhằm tạo ra nông sản thực phẩm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu khách hàng.