Hiệu quả cao từ kết nối cung cầu

Hàng hóa có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp có cơ hội phát triển thị trường và tăng doanh thu... Đó là hiệu quả mà chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.

Tiêu thụ sản phẩm an toàn

Hiện nay, vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước được cơ quan truyền thông đề cập thường xuyên. Nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện, phổ biến là các hành vi như sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật có chất cấm, dư lượng hóa chất vượt ngưỡng trên rau củ quả, sử dụng chất tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi... làm cho người tiêu dùng hoang mang. Chính vì thế, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân vì vậy đã có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm, tìm kiếm và mua sắm các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có đầy đủ các chứng nhận về chất lượng... Tuy nhiên, trên thực tế, để tìm kiếm và nhận biết được một địa chỉ mua sắm an toàn, uy tín, thực sự tạo được sự an tâm cho người tiêu dùng vẫn còn rất ít.

Các sản phẩm an toàn được đưa tới tay người tiêu dùng.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết, xuất phát từ nhu cầu bức thiết của người dân, chương trình kết nối của thành phố năm 2015 đã tập trung vào hướng ưu tiên tiếp nhận phân phối sản phẩm đạt chuẩn an toàn từ các tỉnh. Ngoài ra, để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, một số hệ thống phân phối ở thành phố đã có chủ trương, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân, chuẩn hóa quy trình sản xuất, nuôi trồng, mở rộng sản xuất, cải tiến bao bì và xây dựng thương hiệu... để có thêm nhiều sản phẩm an toàn phân phối ra thị trường, đáp ứng nhu cầu cao của người dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, để đưa hàng vào siêu thị, Saigon Co.op luôn đặt yêu cầu phải đảm bảo quy trình sản xuất đạt chất lượng, cải tiến bao bì mẫu mã, kết hợp với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất và công nghệ sau thu hoạch. Theo đó, Saigon Co.op đã ứng vốn cho các HTX như Anh Đào, Công ty Chăn nuôi Bình Minh và hỗ trợ thanh toán nhanh, tạm ứng tiền vào trước đợt cao điểm Tết cho các HTX của TP Hồ Chí Minh như Ngã Ba Giồng, Phú Lộc, Phước An, Nhuận Đức để đầu tư cho sản xuất.

“Đến nay, có thể khẳng định hàng hóa cung ứng trong các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh đưa thực phẩm an toàn vào các chợ truyền thống, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng...”, bà Đào cho biết thêm.

Tạo đà cho doanh nghiệp nhỏ

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm an toàn, chương trình kết nối còn giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có chỗ đứng trên thị trường. Đại diện Sở Công Thương tỉnh An Giang nhận định, doanh nghiệp nước ta hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nên việc đi tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa rất khó khăn. Việc kết nối cung - cầu hàng hóa là rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Qua chương trình này, doanh nghiệp được khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn an toàn. Cách làm này góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng như yêu cầu thị trường xuất khẩu khi quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Tương tự, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn, tỉnh An Giang cho hay, việc thực hiện chương trình kết nối cung cầu giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm đối tác kinh doanh, gắn kết giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh thành để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa. Riêng trong năm 2015, doanh số bán hàng qua kết nối cung - cầu tại Siêu thị Tứ Sơn là hơn 90 tỷ đồng, con số này đã cho thấy hiệu quả rất lớn mà chương trình mang lại cho doanh nghiệp.

Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, qua 4 năm thực hiện kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đã cho thấy hiệu quả rất cao. Thông qua chương trình đã có 965 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các doanh nghiệp ở các địa phương, với tổng giá trị trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành trị giá trên 13.500 tỷ đồng và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh thành trên 6.500 tỷ đồng.

Bà Lê Ngọc Đào cho rằng, 3 lợi ích chính của việc thực hiện kết nối cung cầu là tạo sự kết nối giữa Sở Công Thương các tỉnh thành để cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung ứng gặp gỡ trực tiếp với nhà phân phối để tìm kiếm thị trường tiêu thụ; chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, đa số sản phẩm của doanh nghiệp tham gia chương trình đều là sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap...
Hoàng Tuyết
Quyết liệt với thực phẩm bẩn
Quyết liệt với thực phẩm bẩn

Các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, với hàng nghìn người mắc là hậu quả của thực phẩm “bẩn”, thực phẩm tồn dư hóa chất, kém chất lượng... đang tràn ngập trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN