Sử dụng vốn vay hiệu quả
Gia đình anh Đàm Văn Quý (ở xóm Cốc Chủ, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng) là một trong những hộ dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Anh Quý cho biết, sau khi được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đầu tư làm nhà màng trồng hoa quả sạch, chất lượng cao. Từ nguồn vốn tín dụng, cùng với vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Hà Quảng, gia đình anh Quý đã xây dựng thành công mô hình trồng dưa lưới, dưa vàng, dưa sữa bạch kim. Áp dụng đúng kỹ thuật, vụ đầu tiên gia đình anh Quý thu hoạch trên 3 tấn dưa. Thành công bước đầu của mô hình đã giúp gia đình anh có thêm thu nhập; đồng thời mở ra triển vọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây nông thôn mới trên địa bàn huyện Hà Quảng.
Anh Hoàng Văn Quang (thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm) đã vay vốn 100 triệu đồng theo Chương trình giải quyết việc làm và nước sạch vệ sinh môi trường. Tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi này, gia đình anh Quang đầu tư nuôi bò vỗ béo. Anh cho biết, ban đầu, gia đình anh mua 4 con bò về nuôi, khoảng 2-3 tháng xuất bán. Mỗi con lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng. Cứ như vậy, gia đình anh xoay vòng mỗi năm nuôi và xuất bán trên 10 con bò, thu về khoảng 40 triệu đồng. Việc đầu tư phát triển sản xuất đúng hướng đã giúp đời sống của gia đình không ngừng được cải thiện. Đến nay, gia đình anh Quang đã thoát nghèo và từng bước vươn lên phát triển kinh tế...
Không riêng gia đình anh Quý, anh Quang, hàng nghìn hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Việc tiếp cận và sử dụng đúng nguồn vốn của các đối tượng vay vốn đã góp phần giúp tỉnh Cao Bằng đảm bảo an sinh xã hội và hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Nỗ lực hỗ trợ người vay
Chương trình tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ sinh, sinh viên (thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, hộ có hoàn cảnh khó khăn) được đi học, tạo thêm nguồn nhân lực có tri thức và tay nghề, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng…
Đến nay, tổng nguồn vốn chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt trên 3.850 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang đơn vị để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt trên 161 tỷ đồng; tăng trưởng đạt trên 100 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt gần 777 tỷ đồng với 12.533 lượt khách hàng vay vốn (trong đó hộ nghèo, cận nghèo 4.937 hộ, chiếm 39,39%).
Mặc dù rất nỗ lực nhưng 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng được giao của một số chương trình tín dụng còn chưa đạt. Chương trình nhà ở xã hội mới hoàn thành kế hoạch đạt gần 33%. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt gần 34%. Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt gần 43%...
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thị Hương Điệp cho biết, thời gian tới, đơn vị tăng cường giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm góp phần cải thiện đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là người nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm huy động các khoản tiền nhàn rỗi của các của các tổ chức, cá nhân; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Đơn vị tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, hàng năm cân đối ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng…