Xu hướng bán hàng trên mạng internet (bán hàng online) ngày càng phát triển. Ảnh: Minh Tú/TTXVN |
Phương thức bán hàng online đã mang lại lợi ích cho người bán lẫn người mua bởi tính năng ưu việt trong lựa chọn sản phẩm, thanh toán. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng khách hàng, gia tăng số lượng người cung cấp sản phẩm trên mạng luôn là bài toán khó.
Mặt khác, việc gia tăng tiện ích cho các bên sử dụng, đảm bảo an ninh an toàn thương mại trên mạng là vấn đề cần quan tâm. Nắm bắt được xu hướng này, các công ty, doanh nghiệp công nghệ thông tin đã đầu tư phát triển sản phẩm phần mềm phục vụ nhu cầu thương mại điện tử, góp phần mở ra một thị trường mới nhiều thuận lợi song cũng đầy thách thức…
Mua bán, thanh toán thông minh Tiếp thị liên kết (affiliate marketing) là khái niệm trong thương mại điện tử được áp dụng trên thế giới từ khá lâu. Khi mạng internet và các dịch vụ internet phát triển, khái niệm “tiếp thị liên kết” được nhắc đến ngày càng nhiều bởi đây là một phương thức mua bán, kinh doanh dựa trên nền tảng cơ bản là internet.
Theo đó, một trang thông tin điện tử (website) sẽ quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ cho nhiều website khác và được hưởng hoa hồng thông qua lượng truy cập, doanh số bán hàng hoặc mẫu đăng ký được hoàn tất. Hiện nay, tiếp thị liên kết đang phát triển mạnh tại Việt Nam với nhiều tên tuổi như Amazon, Lazada, Tiki, Zalora... Với những đặc tính tối ưu về việc cho phép khách hàng lựa chọn sản phẩm trực tuyến và thanh toán linh hoạt, việc mua bán trên mạng ngày càng được nhiều đối tượng lựa chọn, đặc biệt là giới văn phòng.
Theo xu hướng phát triển, tiếp thị liên kết trên mạng trực tuyến (online) sẽ sử dụng cộng tác viên hoặc đối tác bán chéo sản phẩm cho nhau. Như vậy, một sản phẩm khi tham gia vào tiếp thị trực tuyến sẽ đến với cộng đồng mạng rộng lớn hơn. Tương tự như vậy, người mua khi là thành viên của tiếp thị trực tuyến sẽ có “kho” hàng hóa dịch vụ đa dạng hơn.
Đặc điểm này khiến cho tiếp thị liên kết ngày càng được nhiều người lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng thông tin đăng tải trên website, phương thức thanh toán, độ tin cậy khi giao nhận hàng, chính sách hoàn hủy đơn hàng, phản hồi của khách hàng… là những nội dung được người dùng quan tâm đến khi sử dụng dịch vụ của webiste tiếp thị liên kết.
Năm 2016, Công ty Masoffer đã tiến hành lấy ý kiến khảo sát đánh giá chương trình liên kết tiếp thị tốt nhất dựa trên 5 tiêu chí hàng đầu là độ uy tín của chương trình, độ tin trưởng của người dùng, độ khó cho người mới bắt đầu, sự đa dạng của sản phẩm, cách thức thanh toán hoa hồng.
Kết quả, 7 chương trình tiếp thị liên kết tốt nhất trên thị trường hiện nay là Clickbank, Amazon, Commission Junction (CJ), Lazada, Ebay, Rakuten, Masoffer. Trong đó, Lazada là thương hiệu khá uy tín ở Việt Nam, được nhiều khách hàng lựa chọn khi mua hàng qua mạng…
Miền đất hứa của lĩnh vực công nghệ thông tin Theo nghiên cứu của các chuyên gia công nghệ, hiện nay, thị trường tiếp thị liên kết còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên mới có một số tên tuổi, thương hiệu có tiếng tham gia. Trong tương lai, tiếp thị liên kết là mảnh đất hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận cho các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng như cộng đồng khởi nghiệp dựa trên hệ thống sản phẩm bán hàng trên mạng.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nhận định: Tiếp thị liên kết là xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Sản phẩm phầm mềm tiếp thị liên kết đảm bảo được sự cân bằng lợi nhuận giữa ba bên: nhà sản xuất, người sử dụng và người trung gian sẽ được lựa chọn trong tương lai không xa. Ông Nguyễn Thanh Hưng cho hay, cách hiệu quả nhất để kinh doanh trực tuyến là sở hữu một website kết hợp với mạng xã hội để lan tỏa các thông điệp của doanh nghiệp và nuôi dưỡng mối quan hệ với lượng lớn khách hàng...
Bà Lại Việt Anh (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) chia sẻ: Tại Việt Nam, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết mảnh là “mảnh đất tiềm năng” để mọi người, đặc biệt là phụ nữ có thể kinh doanh, khởi nghiệp mà không cần nhiều vốn… Với ưu điểm không hạn chế về biên giới, thời gian, có thể làm việc nhà mà vẫn có thể duy trì được công việc, phương thức buôn bán qua mạng đang mang lại thu nhập cho nhiều người.
Nhận thấy tiềm năng của thị trường, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đã đầu tư nghiên cứu, xây dựng và phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ thị trường thương mại điện tử, tiếp thị liên kết… Mới đây, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần iNet đã giới thiệu hệ thống tiếp thị liên kết SaleMall Network tới đông đảo cộng đồng đang có sản phẩm kinh doanh trên mạng internet.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iNet Nguyễn Trọng Thơ cho biết, với nhiều tính năng vượt trội dành cho cổng kết nối các nhà cung cấp sản phẩm (Vendor), các website bán hàng (Merchant) với hàng triệu khách hàng tiềm năng thông qua đội ngũ bán hàng, hệ thống SaleMall hiện đang là hệ thống tiếp thị liên kết thuộc tốp đầu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống SaleMall có sẵn các công cụ xử lý đơn hàng, cổng thanh toán trực tuyến (online) thông qua các loại thẻ như thẻ visa, thanh toán trực tuyến (internet banking), thẻ cào...Hệ thống này cũng có công cụ kết nối với các dịch vụ vận chuyển (shipper) của Viettel, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post), các dịch vụ Shipchung, Giaohangnhanh…
Dù có nhiều tính năng ưu việt, đáp ứng nhu cầu buôn bán, kinh doanh trực tuyến, các chuyên gia công nghệ vẫn luôn lưu ý đơn vị đưa ra ứng dụng tiếp thị liên kết cũng như người sử dụng về tính bảo mật của dịch vụ. Các trang website tiếp thị liên kết luôn đặt ra yêu cầu khắt khe với các đơn vị công nghệ thông tin khi thiết kế phần mềm, đảm bảo các tính năng thông minh trong lựa chọn, tìm kiếm sản phẩm, đảm bảo về phương thức thanh toán và giao - nhận sản phẩm cùng tiện ích về việc phản hồi, kết nối, so sánh… sản phẩm.
Với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn… hệ thống tiếp thị liên kết theo mô hình 4.0 hiện đang được nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh kỳ vọng sẽ mang đến bước đột phá về doanh thu trong tương lai…