Tại hội nghị, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 quyết định chủ trương/giấy chứng nhận đầu tư với tổng số tiền 19.000 tỷ đồng; ký kết 8 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát, đầu tư với tổng vốn đầu tư 204.649 tỷ đồng, ký kết hợp tác với 2 đơn vị, tổ chức.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết với vị trí là trung tâm của tiểu vùng Nam Sông Hậu, nên Hậu Giang đã được thừa hưởng nhiều thuận lợi. Năm 2022, tỉnh chọn là năm doanh nghiệp với quan điểm "Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui". Điều này thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang. Hiện tại, tỉnh đã hội tụ đầy đủ các điều kiện về thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Đây là thời điểm tốt nhất để Hậu Giang cất cánh.
"Với phương châm "Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng", tỉnh Hậu Giang cam kết luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh. Tỉnh Hậu Giang luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua đó có những hỗ trợ kịp thời, đồng hành trong thực hiện dự án hiệu quả", ông Đồng Văn Thanh nói.
Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, cho biết, từ năm 2015 đến nay, các cấp chính quyền tỉnh Hậu Giang đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa, Masan đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 1 của dự án Trung Tâm Thực Phẩm Masan Miền Tây gồm Nhà máy Bia Masan Hậu Giang và Nhà máy Thực phẩm Masan Hậu Giang. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng, ước tính đạt doanh thu 7.400 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 1.640 tỷ đồng và sử dụng 600 lao động địa phương trong năm 2022.
Theo ông Nguyễn Thiều Nam, Masan cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trách nhiệm xã hội bao gồm thực thi pháp luật, đạo đức kinh doanh, các chương trình an sinh xã hội và cải thiện dân sinh, và đặc biệt là trách nhiệm về bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Tập đoàn Alphanam cho biết sau khi đánh giá những lợi thế của tỉnh Hậu Giang, Alphanam nhận thấy được tiềm năng và mong muốn đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp trải nghiệp gắn với phát triển bền vững. Từ đó tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, đóng góp nguồn thu ngân sách của tỉnh và đảm bảo môi trường kinh doanh phát triển lành mạnh, đưa du lịch trở thành một lợi thế cạnh tranh của tỉnh, góp phân chung tay xây dựng Hậu Giang năng động, đổi mới và phát triển hơn.
Theo đại diện của Alphanam, trên tinh thần "đoàn kết là sức mạnh", "muốn đi nhanh hãy đi cùng nhau", các doanh nghiệp du lịch cũng cần có kế hoạch và hợp tác xây dựng các tour du lịch văn hóa - sinh thái - kết nối 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để khách nội địa có thể trải nghiệm văn hóa địa phương đặc sắc cũng như thu hút khách quốc tế lưu trú dài hạn hơn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Đồng thời, Alphanam hy vọng tỉnh triển khai nhanh chóng và quyết liệt chính sách 2 nhanh - 3 tốt: 2 nhanh là giải phóng mặt bằng nhanh, hoàn thiện thủ tục nhanh; 3 tốt gồm cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt nhằm thông thoáng cơ chế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư vào tỉnh, qua đó tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh PCI trong những năm tiếp theo.
Tỉnh Hậu Giang phấn đấu năm 2022 kêu gọi 87 dự án với quy mô đầu tư dự kiến hơn 30.000ha, tổng mức đầu tư hơn 48.000 tỷ đồng. Cụ thể tỉnh kêu gọi 9 dự án vào khu công nghiệp; 7 dự án vào cụm công nghiệp; 21 dự án nông nghiệp; 31 dự án đô thị; 8 dự án du lịch.
Tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban và Chủ tịch UBND tỉnh là Phó trưởng Ban Thường trực; qua đó kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư; tổng hợp, tư vấn, hướng dẫn, cung cấp và thông tin về thu hút đầu tư trên địa bàn, nhanh chóng, chính xác, thống nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.