Hội nghị có sự tham dự của các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đại diện các hiệp hội, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước; đại diện lãnh đạo các tỉnh trong khu vực.
Tại Hội nghị, tỉnh Hậu Giang giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; cơ hội đầu tư; những định hướng cho sự phát triển của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới. Theo đó, Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu với phần còn loại của Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế của cả nước.
Tỉnh Hậu Giang quan tâm mời gọi, thu hút đầu tư vào các ngành nghề, dự án có hàm lượng công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách, có tác động lan tỏa, sử dụng ít diện tích, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung thu hút vào các ngành, lĩnh vực chính như công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, logistics.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu, nhất là đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước phát biểu tham luận, làm rõ tiềm năng thế mạnh, thể hiện sự ủng hộ đối với sự phát triển của tỉnh Hậu Giang, đề xuất các cơ chế, chính sách và bày tỏ mong muốn đầu tư vào tỉnh Hậu Giang.
Việt Nam có nền tảng, là điểm đến của các nhà đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự có mặt của các đại diện các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư; tin tưởng những dự án được trao quyết định đầu tư, những cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư hôm nay sẽ khởi nguồn cho dòng chảy đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của Hậu Giang trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi, ưu việt để trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Trong đó, Việt Nam có nền tảng xã hội với đất nước yêu chuộng hòa bình và là nước hòa bình; nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Để phát huy nền tảng này, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa yếu tố con người Việt Nam về trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức và các năng lực khác; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế-xã hội, vì văn hóa còn thì đất nước còn.
Đặc biệt, Việt Nam kiên trì, kiên định, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy vì mục tiêu phát triển trên thế giới, khu vực và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực, chủ động, thực chất, hiệu quả.
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Trong đó đổi mới kinh tế theo 3 trụ cột chính: xóa quan liêu bao cấp, phát triển kinh tế đa thành phần và hội nhập. Cùng với đó, thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hạ tầng, thể chế, đào tạo nguồn nhân lực. Với dân số gần 100 triệu dân, có truyền thống văn hóa, đoàn kết, thống nhất, đây vừa là nguồn lực cũng là thị trường lớn cho các nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, khó lường, tác động tới Việt Nam; nhất là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, cả nước kiểm soát tốt dịch COVID-19; ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo các cân đối lớn; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện...
“Đây là những dấu hiệu rất đáng mừng, là minh chứng của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Quốc hội; sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; đặc biệt khẳng định các yếu tố nền tảng của Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ cam kết, tiếp tục quyết tâm tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng tốt hơn, thuận lợi hơn; bình đẳng, công bằng, minh bạch, khách quan; tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư với phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện đúng pháp luật, hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Hậu Giang nỗ lực để không bị “lỡ nhịp”, đón đầu các làn sóng đầu tư
Đối với Hậu Giang, là tỉnh có vị trí địa kinh tế quan trọng; vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, trung tâm lúa gạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái, làng nghề, lễ hội; con người Hậu Giang năng động, nghĩa tình, thủy chung; có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất; cùng với đó là sự quyết tâm, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang.
Theo Thủ tướng, sau gần 20 năm thành lập tỉnh, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã đồng cam cộng khổ, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng gắn bó để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất; chuyển mình vươn lên mạnh mẽ từ nội lực, khơi dậy nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngày nay Hậu Giang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ngành nông nghiệp, logistics, năng lượng và du lịch...
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chính phủ có Chương trình, hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và đã có Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt đã dành nguồn lực tập trung phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Do đó, Thủ tướng mong muốn Hậu Giang phải tranh thủ các chủ trương, chính sách này; biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, làm cho đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy tinh thần nội lực đi lên.
Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp nên đầu tư vào Hậu Giang như: phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị; phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cao; phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là đầu tư phát triển du lịch, logistics, hạ tầng thương mại, công nghệ thông tin...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Hậu Giang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương; quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để không bị “lỡ nhịp”, đón đầu các làn sóng đầu tư, tạo bứt phá, động lực mới cho phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong đó tập trung rà soát, đánh giá, rút ra bài học về những việc đã làm được, chưa làm được, vấn đề phải khắc phục; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hậu Giang trong tổng thể chung của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân.
Thủ tướng đề nghị tỉnh huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang và các bộ, cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý tập trung giải quyết, xử lý ngay các kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp hoặc kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền theo quy định.
Các nhà đầu tư cần phát huy tình cảm chân thành, trách nhiệm
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn nữa với tình cảm chân thành, tin cậy và trách nhiệm với nhau, cùng nhau để chiến thắng. Cùng Việt Nam hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; cùng xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng mong các nhà đầu tư đến với Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tâm, tài, trí, tín; chân thành, trách nhiệm”; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực. Các nhà đầu tư cần đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa; đồng hành với chính quyền trên tinh thần cùng thắng, cùng phát triển.
"Các doanh nghiệp đã ký kết đầu tư tại Hậu Giang thì phải triển khai dự án; tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, chứ không nên chỉ ưu tiên phát triển bất động sản; biến cam kết đầu tư thành của cải vật chất, để người dân Hậu Giang được hưởng ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng nhắc nhở.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm phát triển của Chính phủ là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không đánh đổi môi trường, cuộc sống của người dân để thu hút đầu tư bằng mọi giá. Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ thỏa đáng cho người dân, tạo điều kiện cho người dân địa phương được đào tạo nghề, có công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, với tổng số vốn 19 ngàn tỷ đồng; chứng kiến lễ ký kết ghi nhớ, hợp tác đầu tư và chủ trường đầu tư cho 10 nhà đầu tư, với tổng số vốn hơn 204 ngàn tỷ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Sun Group, Him Lam, MASA, Alphanam, FPT...; chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức với tỉnh Hậu Giang; chứng kiến các doanh nghiệp Nhà nước trao 28 tỷ đồng tài trợ xây dựng các trường học và tặng quà cho người có công tỉnh Hậu Giang.