Tiểu thương trở tay không kịp
Với 3 lần tăng giá liên tục kể từ cuối tháng 3 đến nay, tổng cộng mỗi lít xăng đã tăng khoảng 3.500 đồng, gây áp lực lớn lên giá cước vận tải, cũng như giá cả hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, việc tăng giá này lại trong bối cảnh giá điện cũng tăng 8,36% từ ngày 20/3. Do đó, tác động cộng hưởng càng trở nên mạnh hơn.
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội như chợ Thành Công, Kim Liên, chợ Hôm…, sau khi giá xăng dầu tăng lần thứ 2 (ngày 17/4), giá nhiều mặt hàng tiêu dùng như thịt, rau, củ, quả và thủy hải sản đã bắt đầu tăng nhẹ. Tới lần tăng giá thứ 3 (ngày 2/5), cùng với tác động của việc hoá đơn tiền điện của các hộ gia đình tăng vọt, giá các mặt hàng lại càng được "cớ" tăng mạnh hơn.
Chị Loan, tiểu thương bán rau, củ tại chợ Thành Công cho biết: Đa số các mặt hàng rau củ hiện đều tăng giá so với cuối tháng 4, giá hành từ 16.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg, su hào 8.000 đồng/củ, củ cải trắng 18.000 đồng/kg, rau muống 17.000 – 18.000 đồng/mớ (tăng 3.000 đồng). Giá thịt bò bán lẻ tăng 20.000 đồng/kg; thịt gà lông tăng 10.000 đồng/kg...
Theo lý giải của các tiểu thương, việc tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm như hiện nay là do giá xăng, dầu tăng mạnh, khiến chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là phí vận chuyển.
Khảo sát chiều 6/5 tại chợ Hàng Da cho thấy, các mặt hàng thực phẩm đã được điều chỉnh tăng giá sau khi giá xăng dầu tăng giá lần thứ 3. Sau nghỉ lễ 30/4, giá thịt lợn nạc vai, thăn, sườn tăng thêm 20.000 đồng/kg, lên mức 120.000 đồng/kg. Cá quả trước đây là 135.000 đồng/kg, nay tăng lên 140.000 đồng/kg; cá rô phi tăng 5.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg…
Chị Hà, tiểu thương kinh doanh tại chợ Hàng Da cho biết, do các đợt tăng giá xăng dầu diễn ra liên tiếp và ở mức cao, đẩy chi phí vận chuyển rau, quả từ chợ đầu mối về chợ bán lẻ tăng lên gần 100.000 đồng/chuyến. Do đó các hộ kinh doanh buộc phải tăng giá bán theo.
Là một người tiêu dùng thường xuyên phải đi chợ, chăm lo bữa ăn cho gia đình mỗi ngày, bà Tôn Minh Hương (Thanh Trì, Hà Nội) cảm nhận rõ những tác động của việc tăng giá xăng dầu, giá điện lên túi tiền của mình. "Đầu tiên là hóa đơn tiền điện tăng vọt. Tháng này nhà tôi phải trả 1,6 triệu đồng tiền điện, trong khi tháng trước chỉ phải trả 1,1 triệu đồng. Mỗi lần đổ xăng xe máy phải tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng mới đầy bình. Tiếp đó là hàng hoạt hàng hóa ở chợ tăng giá theo làm cho các bà nội trợ khó khăn chồng khó khăn...", bà Hương than thở.
Doanh nghiệp gặp khó
Mặc dù việc tăng giá điện đã nằm trong kế hoạch tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp từ đầu năm. Song, giá điện tăng cộng hưởng cùng lúc với giá xăng dầu đã khiến doanh nghiệp thêm phần khó khăn.
Tại các hệ thống siêu thị, mặc dù giá cả hàng hóa ổn định hơn, song với việc giá xăng dầu, giá điện tăng cao như hiện nay, nhiều mặt hàng trong siêu thị cũng sẽ tăng giá trong thời gian tới. Đại diện siêu thị Co.opmart tiết lộ, đã nhận được báo giá mới của các nhà cung cấp hàng tiêu dùng và nguyên phụ liệu bao gói hàng hóa.
Khó khăn nhất phải kể đến là các hãng vận tải. Theo thông tin từ các hãng taxi, giá cước đang "nhấp nhổm" tăng từ 15 - 20%.
Ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (chủ hãng Taxi VIC) chia sẻ: Giá xăng chiếm khoảng 35 - 40% trong cấu thành giá cước vận tải, do vậy việc giá xăng tăng 3.500 đồng/lít trong thời gian ngắn khiến doanh nghiệp rất khó khăn. 4 năm qua, Taxi VIC chưa tăng giá lần nào mà đều cố gắng cầm cự trước những biến động của giá xăng dầu.
"Trong kỳ điều hành giá sắp tới, nếu giá xăng tiếp tục tăng, chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá cước khoảng 10%", ông Hùng cho hay.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Khoa, lái xe taxi của hãng Vạn Xuân chia sẻ: "Chỉ tính riêng 2 đợt tăng giá xăng dầu đầu tiên đã khiến lái xe tốn thêm cả trăm nghìn đồng tiền đổ xăng mỗi ngày, trong khi mức cước vẫn giữ nguyên, khiến thu nhập của lái xe bị hao hụt đáng kể. Đúng ra, hãng phải điều chỉnh cước taxi, nhưng do cạnh tranh hiện nay quá khốc liệt nên phải cố gắng cầm cự".
Ngay cả giá cước taxi của Grab cũng đã điều chỉnh tăng mà có thể người đi xe không để ý. Một lái xe Grab Bike cho hay, trước đây quãng đường 10 km, khách hàng phải trả khoảng 50.000 đồng, bây giờ được điều chỉnh lên 70.000 đồng.
Các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu cũng khó khăn không kém. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, việc tăng giá hai mặt hàng thiết yếu khiến các doanh nghiệp bị giảm bớt lợi nhuận bởi nhiều đơn hàng đã ký kết từ trước, nay do chi phí tăng cao, muốn đàm phán lại hợp đồng sẽ khó khăn. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tiết giảm những chi phí không cần thiết, sử dụng các nguyên liệu có giá tốt hơn để bù đắp những khoản tăng thêm của chi phí đầu vào, bao gồm xăng dầu và điện.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá 2 mặt hàng xăng và điện đang có tác động lan truyền đến tất cả các mặt hàng khác trên thị trường, bởi hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phải sử dụng xăng dầu và điện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Các chuyên gia nhận định, tác động lan tỏa này sẽ còn kéo dài từ 2 - 3 tháng tới và giá nhiều loại hàng hóa sẽ còn "té nước theo mưa".
Để hạn chế tình trạng này, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cần tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm bớt khâu trung gian - đây vốn là nguyên nhân khiến chi phí bán lẻ tăng bất hợp lý. Bên cạnh đó, cần sản xuất theo chuỗi cung ứng, bảo đảm “đầu ra” cho sản xuất một cách hợp lý, giá chấp nhận được với người tiêu dùng.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, giá xăng dầu và giá điện tăng đã góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu: Trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu có xu hướng biến động khó lường, khó dự báo, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khoa học và linh hoạt hơn, nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động các biện pháp điều hành, nhằm kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3 - 3,9% theo kịch bản điều hành giá đã đặt ra từ đầu năm.