Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp xả quỹ bình ổn để giữ giá xăng dầu, tuy nhiên đến đầu tháng 4, khi quỹ này đã cạn mà giá dầu thế giới vẫn tăng, liên Bộ Công Thương và Tài chính đã tăng giá xăng dầu. Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều hành giá xăng dầu cần nhịp nhàng hơn để tránh những lần tăng "giật cục" như vậy.
Vì sao tăng giật cục?
Trong kỳ điều hành trước đó vào ngày 18/3, mặc dù giá dầu thế giới tăng khá mạnh nhưng giá xăng dầu trong nước không tăng theo mà vẫn được giữ nguyên bằng cách tăng chi quỹ bình ổn. Ngày 2/4, xăng dầu tăng giá khiến người dân cảm thấy có phần bị "sốc".
Giải thích về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Ngày 18/3, giá xăng dầu thế giới đã tăng nhưng Chính phủ quyết định không tăng giá xăng mà dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bù. Xăng E5 bù 2.800 đồng/lít, xăng A95 bù 2.000 đồng/lít để giữ giá. Nhưng sau 15 ngày giá xăng vẫn tiếp tục tăng, vì vậy ngày 2/4 phải tăng giá.
“Nếu không bù, mức tăng có thể cao hơn. Ví dụ với xăng A95, quỹ bình ổn phải bù 1.304 đồng/lít để mặt hàng này "chỉ" tăng 1.484 đồng/lít, nếu không sẽ phải tăng 2.788 đồng/lít. Đây chính là các biện pháp điều tiết của Nhà nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải thích kỹ hơn.
Còn nhớ, sau kỳ điều hành ngày 18/3 giá xăng dầu giữ nguyên, một số cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội đã tạm ngừng bán xăng A95 với lý do "nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị gián đoạn". Tuy vậy, một số doanh nghiệp đầu mối đã chia sẻ: Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp đã cạn và nếu doanh nghiệp càng nhập sẽ càng lỗ.
Dữ liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, quỹ bình ổn giá xăng dầu tại tập đoàn này còn 9,6 tỷ đồng trước khi tăng giá xăng ngày 2/4. Số dư quỹ này tại Petrolimex ước giảm khoảng 645 tỷ đồng so với thời điểm ngày 18/3.
Song theo ông Đỗ Thắng Hải, hiện chỉ có 9/28 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối bị âm quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nhờ có quỹ bình ổn này nên giá bán lẻ xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 2/4 "không tăng sốc".
Ngày 2/4, theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng A95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng/lít, kg tùy loại.
Cần xem lại cách điều hành quỹ
Theo chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cách điều hành giá xăng dầu trong hai kỳ vừa qua rất "giật cục", không hài hòa.
“Đáng lẽ trong kỳ điều hành giá xăng dầu trước đó (ngày 18/3), hai Bộ Công Thương và Tài chính nên cho tăng giá nhẹ 300 - 500 đồng/lít, kết hợp với xả quỹ bình ổn trong bối cảnh giá thế giới tăng cao chứ không nên giữ ổn định, để đến ngày 2/4 tăng sốc khiến dư luận lo lắng”, TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Tất nhiên, việc giữ nguyên giá xăng dầu ngày 18/3 có một phần nguyên nhân là cơ quan quản lý tính đến việc giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3. Nếu 2 mặt hàng thiếu yếu này tăng gần như cùng thời điểm sẽ tạo tâm lý lo lắng trong xã hội, đồng thời tác động mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.
Thực tế, CPI tháng 3 đã giảm 0,21% so với tháng trước. Tính chung quý I/2019, CPI bình quân tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 - đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tuy nhiên trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS Ngô Trí Long nêu thực tế cơ quan điều hành chưa sử dụng hết các “van” điều tiết một cách hợp lý. Theo ông Long, trong điều hành giá xăng dầu có ba công cụ: Giá, thuế phí và quỹ bình ổn. Nhưng vừa qua, Bộ Công Thương chỉ sử dụng công cụ quỹ bình ổn mà không tính đến phương án giá.
“Việc Bộ Công Thương liên tục xả quỹ bình ổn làm giá xăng dầu trong nước không sát với giá thế giới, không có sự hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, TS Ngô Trí Long nói.
Một chuyên gia khác (đề nghị được giấu tên) cũng nhìn nhận cách điều hành giá xăng thời gian qua có vấn đề. Do cố gắng chi quỹ bình ổn lớn để giữ giá bán lẻ trong nước nên thị trường xăng dầu bị "nén" quá mức, nay tăng "sốc" sẽ khiến các mặt hàng khác khó lòng kiểm soát.
Trong tháng 4 này, việc điều hành CPI sẽ là thách thức lớn với cơ quan quản lý bởi ngoài giá xăng dầu tăng thì giá điện cũng chính thức tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân. Tháng 4 có nhiều ngày nghỉ lễ cũng có thể khiến giá hàng hóa "nhân thể" tăng lên.
Tại cuộc họp báo quý I/2019 của Bộ Công Thương cuối tuần qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, nếu không có quỹ bình ổn thì giá xăng dầu sẽ "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng". Bản thân ông Hải chia sẻ cá nhân ông "muốn bỏ càng sớm càng tốt" nhưng hiện chưa thể bỏ do vẫn cần vai trò quản lý của Nhà nước với mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu.