Giải quyết các vấn đề bức xúc
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, một trong những nhiệm vụ trong tâm của ngành xây dựng Thủ đô trong năm 2019 là tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy cơ quan theo hướng tinh gọn, hiệu quả với phương châm 5 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
Cùng với đó, Sở tăng cường cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho các dự án trọng điểm, dự án cấp bách có ảnh hưởng đến an sinh xã hội; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.
Trước mắt, Sở chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt; phấn đấu hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng đó, triển khai xây dựng, hoàn thành một số nhà máy cấp nước sạch sử dụng nguồn nước mặt, phát triển mạng cấp nước, giảm khai thác nước ngầm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống thu gom, nhà máy xử lý chất thải, nước thải, rác thải, chất thải rắn bằng công nghệ hiện đại; cơ giới hoá và sớm đưa ra quy trình xử lý và thu gom rác thải, nước thải.
Cụ thể, năm 2019, Hà Nội phấn đấu tại khu vực nội thành đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu dùng nước của nhân dân; giảm tỷ lệ nước thất thoát thất thu xuống dưới 20% (hiện tại là 21,5%).
Khu vực nông thôn có khoảng 2.953.200 người, tương đương 738.300 hộ có nước sạch, đạt tỷ lệ khoảng 69% (hết năm 2018 đạt 55,5%).
Tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại ác quận nội thành và thị xã Sơn Tây đạt 98% - 100%; khu vực nông thôn đạt 90%. Tỷ lệ cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn đạt 60,5%.
Bên cạnh đó, Sở sẽ cùng các Ban Quản lý dự án của thành phố tập trung xây dựng các nhà máy xử lý nước thải theo đúng tiến độ để nâng công suất xử lý nước thải như: Hệ thống thu gom Yên Xá; các nhà máy xử lý nước thải Phú Đô, Hồ Tây; hoàn thành chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án thoát nước giai đoạn III khu vực tả sông Nhuệ; hệ thống thoát nước khu vực quận Hà Đông,… và một số khu đô thị mới bị úng ngập. Đề xuất các giải pháp chống úng ngập cục bộ và có tính đến kịch bản biến đổi khí hậu đối với các trận mưa vượt quá công suất thiết kế…
Từ nay đến năm 2020, Sở tập trung đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và thi công giai đoạn II Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn quy mô 37 ha và hợp khối các khu vực hiện có để đảm bảo tiếp nhận rác; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện 4000 tấn/ngày tại huyện Sóc Sơn; 1500 tấn/ngày tại thị xã Sơn Tây; đấu thầu chọn nhà đầu tư Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ công suất 1500 tấn/ngày…
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2019, thành phố phấn đấu hoàn thành Chương trình trồng một triệu cây xanh; đầu tư, cải tạo nâng cấp các công viên, vườn hoa, sân chơi; kêu gọi đầu tư và triển khai xây dựng các công viên giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế, công viên chuyên đề, công viên giải trí nghỉ ngơi…
Về phát triển nhà và thị trường bất động sản, thành phố phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà giai đoạn 2016 – 2020, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư.
Cùng đó, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách sớm bàn giao, đưa vào sử dụng 14 dự án trong năm 2019. Mặt khác, khẩn trương hoàn thiện cơ chế đặc thù và kế hoạch cải tạo xây dựng mới chung cư cũ…
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, cũng trong năm nay, các đơn vị chức năng của Sở sẽ quyết liệt hơn nữa việc kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời; không để tiếp tục xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất công, nhất là những vụ vi phạm nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội.
Song song đó, Sở tiếp tục giải quyết dứt điểm các tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm; đôn đốc các địa phương báo cáo thường xuyên, đầy đủ các trường hợp phát sinh cùng kết quả xử lý các vi phạm;
Các đơn vị chức năng cũng xử lý, giải quyết triệt để các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng trên các tuyến đường mới mở còn tồn tại; không để phát sinh công trình xây dựng không đảm bảo kích thước hình học theo quy định khi triển khai các dự án giao thông…
Gỡ khó về cơ chế
Mới đây, tại cuộc làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng Thủ đô vì những kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Đáng chú ý, những vấn đề xã hội quan tâm như: vệ sinh môi trường, cấp nước nông thôn, quản lý duy trì vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh, chiếu sáng, chỉnh trang và phát triển đô thị, phát triển nhà ở đạt được những kết quả tích cực. Việc quản lý trật tự xây dựng đô thị cũng có nhiều chuyển biến, đã giải quyết được nhiều trường hợp vi phạm tồn đọng, hạn chế các vi phạm mới phát sinh.
Tuy nhiên, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, việc đảm bảo trật tự xây dựng đô thị vẫn chưa đạt kết quả vững chắc; một số công trình vi phạm tồn đọng từ nhiều năm trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; số công trình vi phạm mới vẫn ở mức cao, nhất là những vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công, đất rừng.
Tại một số khu vực đô thị vẫn còn thiếu nước, đặc biệt vào cao điểm mùa Hè và ở những nơi cuối nguồn nước; úng ngập cục bộ vẫn xảy ra và chậm được giải quyết. Tình trạng tồn đọng rác thải trên các tuyến đường hay việc đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện còn chậm; công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư vẫn còn hạn chế, yếu kém nên tranh chấp vẫn xảy ra…
Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trên, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2019, cùng với việc chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của lãnh đạo ngành, Sở cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, các quy định trong công tác đầu tư xây dựng.
Sở cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng cho phép thành phố chủ động xem xét, phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch chuyên ngành sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng để kịp thời triển khai các dự án, đáp ứng các yêu cầu bức xúc dân sinh.
Cùng đó, hoàn thiện các cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo mô hình xã hội hóa, mô hình hợp tác công tư (PPP) về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành, đảm bảo tính khả thi của các dự án xây dựng mới các chung cư cũ theo quy hoạch 1/500 đề xuất đang triển khai, Sở đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương và phối hợp với thành phố nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù về cải tạo và xây dựng mới các khu chung cư cũ…
Cùng đó, phân cấp cho thành phố cấp phép xây dựng tất cả các công trình do thành phố quyết định chủ trương đầu tư, trước mắt là dự án đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.