Gỡ vướng trong quản lý và sắp xếp giết mổ gia súc, gia cầm ở Đồng Nai

Ngày 25/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo về công tác quản lý, sắp xếp giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn nhằm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý các hoạt động giết mổ, đặc biệt là những cơ sở giết mổ trái phép.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường cơ sở giết mổ lợn có dấu hiệu lở mồm long móng ở Đồng Nai. Ảnh tư liệu: Lê Xuân/TTXVN

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện tại trên địa bàn tỉnh 75 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đủ tiêu chuẩn được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, tính đến tháng 9, tỉnh phát hiện và xử lý 44 điểm giết mổ lậu; trong đó, tăng 14 điểm so với tháng 8/2017, tập trung tại các huyện Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và thành phố Biên Hòa.

Từ năm 2012, Đồng Nai bắt đầu thực hiện chủ trương sắp xếp lại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và xóa bỏ các lò mổ lậu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh qua các điểm các điểm mổ lậu. Nhưng, sau gần 7 năm thực hiện, các lò mổ lậu vẫn hoạt động, con số thống kê chỉ mang tính chất báo cáo, thực tế số lò mổ lậu hoạt động trên địa bàn tỉnh còn lớn hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hiện nay chế tài xử phạt khi phát hiện các lò mổ hoạt động không phép chưa cao, chưa đủ tính răn đe nên hầu hết các lò mổ sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục hoạt động và chấp nhận đóng phạt khi bị kiểm tra lần tiếp theo.

Ông Đinh Hữu Tài, Phó phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất cho biết, dù việc phát hiện và bắt quả tang các cơ sở giết mổ lậu hoạt động không phép rất khó khăn, nhưng việc xử phạt lại quá nhẹ nên sau khi bị phạt họ vẫn bất chấp để hoạt động.

Dẫn chứng cho điều này, ông Đinh Hữu Tài cho hay, với số lượng giết mổ 30 con lợn/ngày khi đưa vào lò giết mổ tập trung sẽ tốn 1.5 triệu đồng (phí 50.000 đồng/con), 1 tháng chi phí mất khoảng 40 triệu đồng. Trong khi đó, khi giết mổ không phép, nếu bị bắt chủ cơ sở bị xử phạt 8 triệu đồng, một tháng bị bắt 2 hoặc 3 lần mức chi phí cũng chỉ hơn 20 triệu đồng, vẫn đem lại lợi nhuận cao.

Ngoài ra, theo các đại biểu việc quản lý thịt lợn vào các chợ cũng gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát thịt lợn trên các sạp thịt có đảm bảo chất lượng hay không. Vì theo quy định, thịt lợn sạch phải có nguồn gốc rõ ràng và được đóng dấu kiểm dịch tại các lò mổ tập trung. Tuy nhiên, trên 1 con lợn chỉ đóng 3, 4 dấu nên khi kiểm tra họ hoàn toàn có thể nói những miếng thịt được đóng dấu kiểm dịch đã được bán đi.

Việc các lò mổ lậu ngang nhiên hoạt động cũng gây cho các lò mổ sạch rơi vào tình trạng khốn cùng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiệt bị nhưng không thể hoạt động. Ông Trương Thúy Thượng, chủ lò mổ Hoàng Thị Liên (xã Vĩnh Thạnh, huyện Nhơn trạch) cho biết, lò một tập trung của ông được xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị với công suất hoạt động giết mổ 400 - 500 con lợn/ngày đêm.

Tuy nhiên, hiện tại lò mổ chỉ hoạt động với công suất giết mổ gần 50 con lợn/ngày đêm do trên địa bàn có nhiều lò mổ hoạt động không phép. Điều này khiến cho cơ sở làm ăn thua lỗ, đầu tư lớn nhưng không thể hoạt động và có nguy cơ phải dừng hoạt động do thiếu kinh phí duy trì.

Mặt khác, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sắp xếp các cơ sở giết mổ trên địa bàn, nhất là các cơ sở giết mổ lậu như khó thay đổi tập quán giết mổ nhỏ lẻ cũng như việc phối hợp giữa cơ quan an ninh và chính quyền địa phương trong việc phát hiện xử lý lò mổ lậu chưa nhịp nhàng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân...

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho rằng, các địa phương phải quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc giết mổ trên địa bàn mình quản lý vì đây là những đầu mối bám sát địa bàn, dễ dàng phát hiện những cơ sở hoạt động không phép. Đồng thời, cơ quan thú y phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các địa phương bố trí lực lượng xử lý triệt để tình trạng giết mổ lậu, tạo điều kiện nâng công suất hoạt động của những lò mổ tập trung.

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Sở sẽ ghi nhận những ý kiến, vướng mắc của các địa phương từ đó lấy cơ sở đề nghị UBND tỉnh, Trung ương đưa ra những giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để tình trạng giết mổ lậu trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch đến năm 2020 nêu rõ, Đồng Nai sẽ có 50 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 40 cơ sở giết mổ tập trung (gần 76%) theo quy hoạch, trong đó có 33 cơ sở được dự án Lifsap hỗ trợ đầu tư. Nhưng, công suất hoạt động của các cơ sở này cũng đang rất hạn chế vì phải chịu sự cạnh tranh từ các lò mổ lậu.

Lê Xuân (TTXVN )
Bất cập trong quản lý giết mổ gia súc, gia cầm ở Lạng Sơn
Bất cập trong quản lý giết mổ gia súc, gia cầm ở Lạng Sơn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn có 596 điểm giết mổ gia súc, gia cầm và đều do tư nhân quản lý với quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN