Kiểm soát điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ

Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tràn làn luôn khiến việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở trong tình trạng khó kiểm soát. Để khắc phục tồn tại này, Hà Nội đang tăng cường quản lý, chú trọng đầu tư để nâng tỷ lệ sản phẩm sau giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Hơn một nửa sản phẩm giết mổ chưa được kiểm soát

Từ nhiều năm nay, việc quản lý các điểm, hộ giết mổ thủ công trong khu dân cư, nhất là khu vực ven đô, ngoại thành luôn là vấn đề nan giải. Đơn cử, huyện Thanh Oai có khoảng 200 hộ giết mổ nhỏ lẻ nằm phân tán trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Hoặc như, 10 hộ giết mổ nhỏ lẻ ở các phường Dương Nội, Đồng Mai (quận Hà Đông) vẫn ngày đêm hoạt động… Tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ, chủ lò thường cùng vài nhân viên cùng chọc tiết, làm lông đến pha thịt ngay trên nền nhà ximăng rồi xả thải thẳng ra hệ thống thoát nước khu dân cư, vừa không đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Giết mổ gia súc tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại nhiều “chợ cóc”, tình trạng gia súc, gia cầm làm sẵn không có dấu kiểm dịch vẫn vô tư được bày bán. Gần đó là những lồng gà, vịt, ngan sống. Khi khách đã chọn mua, người bán nhanh chóng đun nước, cắt tiết, vặt lông, mổ ngay tại chỗ rồi đổ nước thải ngay trước cửa quầy hàng, không đảm bảo vệ sinh.

Trái ngược với sự sôi động tại các điểm, hộ giết mổ thịt gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, các cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp của Hà Nội lại đang hoạt động cầm chừng do đầu ra không ổn định, thiếu sự liên kết giữa chăn nuôi, giết mổ và chế biến. Một hộ làm nghề giết mổ lợn ở Dương Nội cho biết, chi phí giết mổ ở lò mổ công nghiệp cao hơn 2 - 3 lần so với giết mổ bán công nghiệp hoặc nhỏ lẻ, nhưng giá bán cho thương lái thì không thay đổi. Do đó, hầu như các hộ giết mổ vẫn thực hiện theo phương thức cũ để giảm chi phí và tiện lợi với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội, hiện vẫn tồn tại khoảng 1.500 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư, đáp ứng khoảng 460 tấn thịt/ngày, tương đương 55% sản phẩm giết mổ chưa được kiểm soát. Các điểm, hộ giết mổ thủ công nhỏ lẻ này đều lấy nguồn hàng từ các tỉnh và cung cấp phần lớn cho thị trường khi chiếm tới hơn 90% số thịt trâu bò, 70% số thịt lợn và 68% số thịt gia cầm. Lượng thịt, phụ phẩm này đều được đưa thẳng tới chợ mà không qua khâu kiểm soát giết mổ dẫn đến tình trạng không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm .

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: “Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư, hoạt động dưới nhiều hình thức như: Giết mổ tại nhà, tại hộ chăn nuôi hoặc hoạt động theo mùa vụ. Các cơ sở này thường không đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm nhưng do nằm nhỏ lẻ trong nhà dân nên lực lượng thú y rất khó kiểm soát, đòi hòi các cấp chính quyền phải quyết liệt xử lý hơn”.

Xây dựng lộ trình quản lý

Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, UBND triển khai kế hoạch “Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”. Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2016 - 2018), thành phố Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm sau giết mổ của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đạt 60%. Giảm 60% số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ hiện tại vào năm 2018. Đảm bảo 50% số lượng sản phẩm gia súc, gia cầm được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP).

Giai đoạn 2 (từ năm 2019 - 2020), sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đạt 80%. Giảm 80% số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ hiện tại vào năm 2020. Đảm bảo 60% số lượng sản phẩm gia súc, gia cầm được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP. Mở rộng hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn rộng khắp trong nội thành, nội thị.

UBND thành phố Hà Nội sẽ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế nhằm hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm gia súc trên địa bàn.

Bên cạnh giảm các cơ sở nhỏ lẻ, Hà Nội cũng nâng cơ sở giết mổ tập trung, trong đó nhân rộng mô hình tập trung giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động có hiệu quả như cơ sở giết mổ Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội) từ 1.500 con lợn/ngày nâng lên 1.700 con/ngày hoặc như cơ sở giết mổ gia cầm Lan Vinh (Gia Lâm, Hà Nội) nâng sản lượng giết mổ từ 700 - 3.000 con/ngày. Sự hình thành các cơ sở tập trung giết mổ sẽ quy tụ các điểm giết mổ ở gần nhau (trong một huyện hoặc một cụm xã) vào một cơ sở để giảm bớt số lượng cơ sở phải kiểm soát giết mổ ở các địa phương. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Hà Nội xây dựng 10 cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp, bán công nghiệp. Các huyện, thị xã chủ động xây dựng và đưa vào hoạt động 1 đến 2 cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tiêu thụ nội huyện và đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào quản lý.

Hà Nội sẽ tăng cường quản lý các chợ kinh doanh sản phẩm nhằm đảo bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Hình thành hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn trong nội thành, nội thị. Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Trên địa bàn thành phố có 73 cơ sở, điểm giết mổ đang hoạt động được kiểm soát, với tổng lượng thịt giết mổ khoảng 414 tấn thịt/ngày, đáp ứng khoảng 45% sản phẩm giết mổ có kiểm soát.


PV
 Hà Nội mới kiểm soát được 44% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
Hà Nội mới kiểm soát được 44% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

Hiện nay, Hà Nội mới chỉ kiểm soát được 44% cơ sở giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN