Nhiều điểm giết mổ không đảm bảo vệ sinh
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, địa phương hiện có 6 cơ sở giết mổ lợn tập trung, 44 điểm giết mổ trâu bò, 50 điểm giết mổ gia cầm, 13 điểm giết mổ hỗn hợp. Đáng chú ý, hình thức giết mổ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số với 1.577 điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ (trong đó 1.348 điểm giết mổ từ 1-2 con/ngày, 218 điểm giết mổ từ 2 - 5 con/ngày và 11 điểm giết mổ quy mô lớn hơn 5 con /ngày).
Số điểm giết mổ tập trung nhiều nhất tại các huyện Thái Thụy (316 điểm), Hưng Hà (225 điểm), Vũ Thư (223 điểm). Lượng thịt gia súc, gia cầm từ các cơ sở này chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Việc vận chuyển thịt từ hộ giết mổ đến nơi bán thường qua các phương tiện thô sơ. Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 230/252 chợ có hoạt động mua bán thực phẩm tươi sống, chưa có chợ chuyên kinh doanh loại thực phẩm này. Trong đó, chỉ có 56 chợ được dự án LIFSAP hỗ trợ nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất cho việc bán thực phẩm tươi sống, còn lại chủ yếu các chợ truyền thống chưa được nâng cấp, các quầy hàng đều do tiểu thương tự nâng cấp.
Để kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm, một trong những giải pháp được tỉnh Thái Bình đưa ra là xây dựng các khu giết mổ tập trung, nâng cấp các cơ sở hiện có theo đúng quy định, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Theo Đề án quy hoạch và quản lý giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2015 - 2016 tỉnh di dời 20% số điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào các cơ sở đã được nâng cấp, đảm bảo vệ sinh thú y. Tức là sẽ có ít nhất 300 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ được di dời. Tuy nhiên, đến nay việc này không có nhiều chuyển biến, số điểm giết mổ nhỏ lẻ vẫn phổ biến và không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Kết quả đánh giá việc thực hiện các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn cho thấy, toàn tỉnh chỉ có 4 cơ sở giết mổ lợn tập trung đạt loại B, 23 điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ được nâng cấp đạt loại B, các cơ sở này đều được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ. Còn lại hầu hết các cơ sở, điểm giết mổ đều không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đặc biệt, theo hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá và xếp loại cơ sở giết mổ tại Thông tư 45/2014/BNN-PTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên 1.680 điểm giết mổ nhỏ lẻ trong tỉnh đều xếp loại C do mắc các lỗi như: thiết kế và bố trí sản xuất mang tính tận dụng, tự phát, chưa có sự quản lý của chính quyền và các cơ quan chuyên môn. Trang thiết bị sản xuất thô sơ, không đảm bảo vệ sinh; việc xử lý chất thải và nước thải không đúng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; điều kiện bảo quản và quản lý chất lượng ở những điểm giết mổ nhỏ lẻ không tốt, thiếu đảm bảo an toàn thực phẩm.
Kiểm soát còn hạn chế
Kiểm soát an toàn thực phẩm từ “trang trại đến bàn ăn” là vấn đề không đơn giản đối với nhiều địa phương, nhất là tỉnh Thái Bình với trên 85% hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ. Mới đây, trong cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, lãnh đạo UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình thẳng thắn nhìn nhận quản lý an toàn thực phẩm (trong đó có việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm) trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các ngành phân công quản lý về an toàn thực phẩm chưa tốt trong khi đó nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, không ổn định dẫn đến việc thanh, kiểm tra, hậu kiểm gặp nhiều khó khăn.
Thực tế nhiều chợ trên địa bàn thành phố Thái Bình như chợ Đề Thám, chợ Tiền Phong, chợ Kỳ Bá… tình trạng buôn bán thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm dịch vẫn vô tư được bày bán. Trong chợ, nhiều quầy bán gà, vịt ngan sống và khi khách chọn mua người bán nhanh chóng giết mổ tại chỗ phục vụ khách hàng. Cách làm này gây mất an toàn vệ sinh và tăng nguy cơ lây lan các mầm bệnh khác.
Ngoài ra, quy trình kiểm soát giết mổ động vật vẫn tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương) hiện có 10 điểm giết mổ lợn nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ ( 7 điểm có quy mô dưới 2 con/ngày, 3 điểm quy mô 2 - 5 con/ngày).
Theo ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương), UBND xã có nhiệm vụ quản lý các điểm giết mổ song việc đóng dấu kiểm dịch, kiểm soát đầu ra của sản phẩm lại thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Lý do này khiến vấn đề kiểm soát từ lò mổ đến chợ lâu nay gần như bị bỏ ngỏ.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định việc xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, song việc áp dụng tại tỉnh Thái Bình cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2016 tỉnh Thái Bình đã tổ chức 15 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 198 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản (gồm rau, quả các loại, thịt và các sản phẩm từ thịt), trong đó có 83 cơ sở vi phạm bị cảnh cáo, 14 cơ sở vi phạm bị phạt tiền với tổng số tiền 23,5 triệu đồng.
Trong đó, việc xử lý vi phạm chủ yếu thực hiện tại tuyến tỉnh và tuyến huyện, còn tuyến xã, phường, thị trấn công tác này chưa thực hiện áp dụng chế tài xử phạt, chỉ thực hiện nhắc nhở và hướng dẫn các cơ sở khắc phục lỗi vi phạm. Vì vậy, quản lý hoạt động của các điểm giết mổ gia súc, gia cầm đang là bài toán nan giải đối với ngành chức năng tỉnh Thái Bình.