Giảm thuế nhập khẩu ô tô, xăng dầu khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI quý I giảm

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước, trong đó 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Nguyên nhân là do thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm xuống 0%, giá xăng dầu giảm...

Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm xuống 0% cũng góp phần làm giảm chỉ số CPI quý 1/2018.

Theo báo cáo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2018 của Tổng cục Thống kê, nhóm giao thông giảm 0,77% do thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm xuống 0% làm giá bản ô tô trong nước giảm theo; giá xăng dầu giảm 1,3% so với tháng trước và giá vé ô tô khách, tàu hỏa giảm sau dịp Tết nguyên đán 2018.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,62% (lương thực tăng 0,35%; thực phẩm giảm 1,05%) do giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm sau Tết nguyên đán, làm CPI giảm chung 0,23%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,28% chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giá gas từ ngày 1/3/2018. Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%, may mặc, mũ nón giày dép giảm 0,17%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%; bưu chính viễn thông giảm 0,04%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,1%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số tăng như thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,98% (dịch vụ y tế tăng 2,54%) do trong tháng 3 có 9 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế, tác động làm CPI chung tăng 0,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02%; giáo dục ăng 0,01%.

CPI bình quân quý I của năm 2018 tăng 2,82 so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 3/2018 tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,09% so với tháng trước và tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2018 tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ 2017.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một số tồn tại thách thức với nền kinh tế hiện nay như: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước thấp; ngành nông nghiệp gặp khó khăn trong chăn nuôi lợn giảm và rau củ quả dư thừa ở một số địa phương; công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng cuối năm nay khó duy trì mức tăng như cùng kỳ năm trước, dự báo công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao trong quý 2 nhưng sẽ giảm dần trong quý 3 và quý 4 do 6 tháng cuối năm 2017, công nghiệp chế biến chế tạo tăng khá cao.


Cùng với đó, các biện pháp bảo hộ thị trường tại một số nước gia tăng sẽ là rào cản với xuất khẩu của Việt Nam và lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại, tăng cao hơn mục tiêu mà Quốc hội đặt ra trong một số yếu tố như giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu...Đặc biệt, hạn hán xâm nhập mặn thời gian tới có thể ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp trong những quý tiếp theo.

Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất, các cấp các ngành, địa phương phải thực hiện đồng bộ giải pháp trong Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với các lĩnh vực ưu tiên; Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính đẩy mạnh thanh, kiểm tra thuế, quản lý chặt chẽ kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng, chống thất thu thuế các hoạt động chuyển giá, gian lận thương mại, giám sát khoản chi ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm chi thường xuyên. Tập trung thực hiện sản xuất tốt vụ hè thu, thu đông và vụ mùa 2018, chủ động ứng phó với thiên tai, đẩy nhanh xây dựng nhà máy chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản...

Đặc biệt, đẩy mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình đầu tư trong công nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển các ngành dịch vụ...Khuyến khích nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.

Trung Hiếu/Báo Tin tức
GDP quý I/2018 tăng cao nhất trong 10 năm qua
GDP quý I/2018 tăng cao nhất trong 10 năm qua

Đó là thông tin được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc Họp báo quý I/2018 sáng 29/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN