Đây là mức tăng có tốc độ tương đối thấp so với các năm trước và còn khoảng cách an toàn với chỉ số giá tiêu dùng mà Quốc hội chốt cho năm 2016 ở mức dưới 5%. Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê nhận định, giá dịch vụ y tế, giáo dục và xăng dầu... sẽ gây áp lực lên CPI.
CPI tăng ở nhóm sản xuất, dịch vụ
Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 24/6, trong 11 nhóm hàng và dịch vụ chính để tính CPI có 10 nhóm hàng tăng đáng chú ý, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với mức 2,99%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%, hàng ăn uống dịch vụ tăng 0,21%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%, may mặc, giày dép tăng 0,06%, thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,06%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%, giáo dục tăng 0,06%...
Về nguyên nhân làm tăng CPI 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, từ giữa tháng 3, giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng trở lại khiến giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 6 đợt làm xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diezen tăng 880 đồng/lít đã làm CPI tăng 0,27%. Tiếp đến là nhóm thực phẩm tăng 0,36% do tháng 5 xảy ra vụ cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung dẫn đến tâm lý người tiêu dùng lo ngại cá nhiễm độc nên chuyển sang tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm khiến giá tăng. Cạnh đó, do thời tiết khô hạn kéo dài và tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Trung và miền Nam đã gây thiệt hại diện tích rau trồng trên diện rộng nên giá rau tăng cao. Trong khi trước đó, tháng 2/2016 xảy ra rét đậm trên toàn miền Bắc đã ảnh hưởng đến giá rau tươi, giá rau xanh tăng tới 15 - 20%.
Khách hàng lựa chọn mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Cùng với giá xăng dầu, thực phẩm tăng, thời tiết nắng nóng đã xảy ra từ đầu tháng 5 đến nay đã đẩy nhu cầu tiêu dùng điện tăng làm chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27%, góp 0,03% vào mức tăng CPI cả nước. 6 tháng đầu năm 2016, thị trường bất động sản phục hồi, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhu cầu xây dựng tăng, cộng với giá nguyên liệu đầu vào thế giới tăng cũng đẩy giá nhóm ngành này tăng. Cuối cùng là nhóm dịch vụ du lịch tăng 0,48% do học sinh nghỉ hè, nhu cầu du lịch tăng... Tuy nhiên, các chuyên gia Vụ Thống kê giá đồng nhận xét, biến động tăng CPI trong 6 tháng đầu năm do đóng góp chủ yếu của các nhóm ngành sản xuất và dịch vụ, nên sự tăng giá này là tích cực, phản ánh sự phục hồi của các ngành sản xuất, dịch vụ trong nền kinh tế.
Nguy cơ lạm phát
Đồng thuận với chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng ở mức thấp, cạnh đó là biến động tăng giá của các nhóm ngành y tế, giáo dục đã có kịch bản điều hành giá, đó là điều chỉnh tăng ở từng khu vực, địa bàn và từng ngành theo từng thời điểm để không gây hiệu ứng tăng giá, gây bất lợi cho các hoạt động của nền kinh tế. Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, con số CPI chỉ là phần nổi vì khi giá các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường tăng mới được thống kê, phản ánh vào CPI. Quan trọng là những “tảng băng chìm”, đó là tình trạng bội chi ngân sách, nợ công ở mức cao và nợ xấu ngân hàng mới là nguy cơ lớn, có thể tác động mạnh đến mức tăng của CPI.
Tại báo cáo kinh tế quý I của Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, những năm gần đây ngân sách nhà nước (NSNN) có mức thâm hụt ngày càng tăng. Bội chi NSNN đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020. Do bội chi NSNN tăng cao, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011 - 2015 (từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP), tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Từ số liệu thâm hụt ngân sách và bội chi, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, lo nhất là thâm hụt ngân sách dẫn đến lạm phát. Trong cơ cấu chi tiêu NSNN hiện nay, chi đầu tư chiếm gần 20%, chi thường xuyên khoảng 70%, phần còn lại chi trả nợ, gồm trả nợ gốc và trả lãi. Gần đây, việc trả lãi được đưa vào chi thường xuyên, đẩy chi thường xuyên lên đến 80%. Với trả nợ gốc và lãi đều tăng, quy mô tăng ngân sách không thể theo kịp.
PGS.TS Nguyễn Văn Luân, giảng viên Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đối với các nước đang phát triển, Chính phủ có thể tăng mức chi ngân sách, chấp nhận bội chi để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên mặt trái của sự tăng chi tiêu của Chính phủ sẽ kéo theo hiệu ứng tăng giá ở một số các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ do gia tăng cầu, dẫn đến tình trạng lạm phát. Mặt khác khi các nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng tăng cao mà NSNN lại thiếu hụt sẽ dẫn đến không đủ nguồn vốn đối ứng để đầu tư cho phát triển. Để bù đắp phần thiếu hụt, Nhà nước có thể sử dụng chính sách phát hành thêm tiền và đưa ra lưu thông. Tuy nhiên việc phát hành thêm quá nhiều tiền để bù đắp bội chi NSNN thì sẽ gây ra tình trạng lạm phát.
Trước thông tin một số chuyên gia kinh tế lo ngại tín hiệu lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng đến CPI. Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, lạm phát chung và lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đang tiệm cận với nhau, điều này thể hiện chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2016 đang thuận lợi cho các hoạt động của nền kinh tế và chính sách điều hành giá của Chính phủ, giúp ổn định kinh tế vĩ mô. |