“Với mức tăng CPI bình quân 9 tháng đầu năm là 2,07%, chưa xuất hiện các nguy cơ lớn có thể tác động đến tăng CPI cuối năm, cộng với công tác điều hành giá chủ động trong thời gian qua, mục tiêu kiểm soát CPI cả năm ở mức 5% là hoàn toàn khả thi…”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.
Theo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) phản ánh, so với tháng 8/2016, có 10/11 nhóm hàng hóa dịch vụ chính có chỉ số giá tăng. Trong đó mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục, tăng 7,19%. Tiếp đến là nhóm giao thông tăng 0,55%. Nhóm giải trí và du lịch tăng 0,18%... Nhóm giảm duy nhất là là bưu chính viễn thông, giảm 0,07%.
Người dân mua sắm tại AEON Mall Bình Tân trong ngày khai trương. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Các chuyên gia Vụ Thống kê giá giải thích, sở dĩ nhóm dịch vụ giáo dục tăng cao nhất là do các tỉnh đồng loạt tăng học phí các cấp, theo lộ trình của Nghị định số 86, ngày 2/10/2015 của Chính phủ, làm cho chỉ số giá nhóm này tăng 7,19% so với tháng trước, đóng góp 0,42& vào mức tăng chung của CPI 9 tháng đầu năm 2016. Giá xăng dầu trong tháng 9 được điều chỉnh tăng 2 đợt, với mức tăng của xăng là 1.380 đồng/lít, dầu diezen là 720 đồng/lít làm cho chỉ số nhóm giao thông tháng 9 tăng. Cạnh đó là một số tác động như việc điều chính giá gas từ ngày 1/9, giá lúa gạo của Việt Nam nhích tăng do trúng thầu 150.000 tấn gạo xuất khẩu sang Philppin vào cuối tháng 8. Cùng với các yếu tố tác động vào CPI tháng 9, tính chung trong 9 tháng đầu năm, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ 1/1/2016, lương cơ sở tăng từ 1/5/2016 cũng khiến giá dịch vụ tiêu dùng tăng 1- 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về diễn biến CPI 9 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ Thống kê giá cho biết, với mức tăng 2,07% của 9 tháng đầu năm 2016 là khá cao so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2015. Nhưng đây vẫn là mức tăng khá thấp khi so với cùng kỳ của các năm trước. Và mức tăng 2,07% vẫn nằm trong tầm kiểm soát, điều hành của Chính phủ. Mức tăng CPI chỉ 2,07% trong 9 tháng đầu năm cũng do thuận lợi của một số yếu tố khách quan, như giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới ổn định, trong khi một số mặt hàng thiết yếu giá giảm mạnh như nguyên liệu, chất đốt, sắp thép… Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh các tháng cuối năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, nên giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm 8 đợt, làm cho chỉ số giá bình quân chung của nhóm giao thông 9 tháng đầu năm giảm tới 8,95%. Một yếu tố then chốt khiến CPI được kiểm soát tốt là do Nhà nước đã chủ động phối hợp điều hành mức tăng giá của các mặt hàng, nhóm dịch vụ Nhà nước quản lý theo mục tiêu, vừa tiệm cận thị trường, vừa đảm bảo phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô.
Về các áp lực có thể khiến CPI tăng giá trong quý cuối năm, các chuyên gia Vụ Thống kê giá cho rằng, chưa xuất hiện nguy cơ đáng lo, như khan hiếm lương thực, thực phẩm hay những nguy cơ bất lợi của thời tiết, mùa vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu. Một số yếu tố có thể tăng giá, như dịch vụ y tế hoặc giá xăng dầu trên thế giới đang xu hướng tăng trở lại, đây là những áp lực thấy rõ trong thời gian tới nhưng không lớn.