Tham dự Tọa đàm gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Ngô Văn Điểm.
Các khách mời tham dự Tọa đàm đã thảo luận nhằm phân tích rõ hơn vấn đề về các rào cản, áp lực từ thuế, phí, thủ tục hành chính trong việc ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, hạ thấp cơ hội của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam; đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chi phí đầu vào cho doanh nghiệp tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo doanh nghiệp tư nhân trà Hoàn Ngọc 7. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh của Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí nộp thuế ở mức 31,9% so với lợi nhuận; cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore, hơn 3 lần so với Philippines.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Ngô Văn Điểm cho rằng, chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia mà còn ảnh hưởng đến khả năng, năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí cao khiến lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có nguồn thu để tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, điều này còn ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, đời sống người dân khó được cải thiện, người nghèo sẽ bị tác động lớn.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, chi phí đầu vào chính thức rất khó để lượng hóa thành con số chính xác. Theo một nghiên cứu năm vừa qua của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 60% số doanh nghiệp được điều tra đã xác nhận có phải trả chi phí phi chính thức.
Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, đây là một tỷ lệ tương đối lớn. Đôi khi xã hội đánh giá chi phí chính thức dưới dạng các con số trực quan như thuế, phí, lệ phí… song đó chỉ là một phần. Chi phí thời gian và cơ hội là những chi phí chính thức khó hình dung, lớn hơn nhiều so với các con số chi phí trên giấy tờ. Những rào cản từ vấn đề này đặt ra gánh nặng lớn cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, để khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế, doanh nghiệp cần có môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, giảm được chi phí bất hợp lý. Khi sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân lớn lên, ngân sách Nhà nước theo đó lớn mạnh, bổ sung chi phí tái đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ cho cả nền kinh tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, muốn mở đường cho kinh tế tư nhân trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại quốc tế; đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, vấn đề chi phí doanh nghiệp phải được nhận diện đúng mức để có những cải cách điều chỉnh phù hợp.
Cộng đồng doanh nghiệp nên chủ động liên kết để tạo nên sức mạnh, nâng cao tính hợp tác. Bên cạnh việc kêu gọi doanh nghiệp tự nâng cao tính sáng tạo, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh, cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua cải cách thể chế, giảm tối đa can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, để thị trường và người tiêu dùng quyết định.