Khu vực tư nhân ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Mỗi ngành nghề đều có những vấn đề riêng. Song tựu chung đều liên quan tới những vướng mắc do hệ thống thủ tục hành chính phức tạp và những trói buộc trong quá trình tiếp cận nguồn tài chính.
Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho rằng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh. Bằng chứng là thứ hạng của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trong các bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn có tới 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát của VPSF đều khẳng định, những rào cản về quy định đang khiến doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt hại bằng cách này hay cách khác. Cụ thể như, hệ thống các quy định chồng chéo, không rõ ràng, thiếu hiệu quả và khiến cho khu vực tư nhân tốn kém các chi phí không chính thức, cũng như mất nhiều thời gian. Điều này dẫn tới khả năng cạnh tranh của khu vực này bị giảm sút đáng kể.
Đại diện đơn vị quản lý Nhà nước, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tuy hiệu quả sản xuất kinh doanh còn hạn chế, nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, qua nhiều năm, quy mô của các doanh nghiệp tư nhân vẫn không có sự cải thiện, cả về vốn sản xuất kinh doanh, lẫn số lượng lao động bình quân.
"Sự hạn chế về quy mô vốn là một trong những trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được nhiều cơ hội để đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn. Doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư vào máy móc công nghệ, tài sản cố định để giảm chi phí và phần nhiều là lo ngại về những rào cản và hạn chế thủ tục hành chính như sự không thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…. Sự thiếu liên thông trong giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp… hay tình trạng chồng chéo, nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Hùng chỉ rõ.
Hơn thế nữa, ông Hùng cũng thừa nhận một thực tế là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn vay, khó tiếp cận bảo lãnh tín dụng. Vì lẽ đó, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn; xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý, minh bạch và thủ tục vay vốn đơn giản; khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Điều này chắc chắn sẽ gia tăng lòng tin và cảm giác an tâm của doanh nghiệp đối với các chính sách điều hành kinh tế hiện nay.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định, khu vực kinh tế tư nhân đang chứa đựng những mâu thuẫn nội tại. Đó là vừa đòi bình đẳng với khu vực Nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lại vừa yêu cầu được Nhà nước có những ưu đãi riêng. Trong khi đó, vẫn có tư tưởng chờ đợi sự ban phát, dựa dẫm vào Nhà nước.
Vì lẽ đó, cần xóa bỏ các rào chắn đang ngăn cản quá trình tự do đi vào thị trường của khu vực kinh tế này. Đồng thời, bảo đảm quyền sở hữu tư nhân bằng các thể chế đặc biệt theo dõi các nghĩa vụ hợp đồng; áp dụng các biện pháp đặc biệt cẩn trọng để hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, chẳng hạn như lĩnh vực thuế và tín dụng.