Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 - năm 2017 với chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5" mới đây, trao đổi với báo chí, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức VPSF 2017 cho biết: Tại Diễn đàn này, trên 50% doanh nghiệp tư nhân cho rằng các kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được thực hiện. "Tôi cho rằng đây là một tỷ lệ cao, vì nếu như trước đây 1-2 năm, con số này chỉ ở khoảng 10-20%. Cuộc bỏ phiếu thể hiện niềm tin của doanh nghiệp tư nhân với Chính phủ", ông Vương đánh giá.
Theo ông Trần Anh Vương, kết quả lớn nhất của Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2 là niềm tin của doanh nhân, doanh nghiệp với “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động” đã được tăng lên rõ rệt. Và ngược lại, Chính phủ cũng có niềm tin lớn hơn với khối doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp tư nhân trông đợi không chỉ là những kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp diễn đàn chỉ tổ chức mỗi năm 1 lần này, mà xa hơn là sự đồng hành xuyên suốt của Chính phủ với doanh nghiệp thể hiện qua một môi trường kinh doanh cởi mở, đổi mới.
Kinh tế tư nhân đang ngày càng có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển đất nước, từ đóng góp ngân sách, tạo việc làm đến góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43%. Tỷ lệ này ở khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 18%. Mục tiêu được đưa ra tại diễn đàn là doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng góp 50-60% GDP.
Số lượng doanh nghiệp tư nhân cũng tăng rất mạnh. Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng ở mức kỷ lục, đạt trên 110.000 doanh nghiệp.
May hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt May Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Tuy nhiên vẫn còn có những lĩnh vực chưa thực sự thu hút được các doanh nghiệp tham gia do còn nhiều rào cản. Chẳng hạn lĩnh vực nông nghiệp, chỉ có 1% trên tổng số doanh nghiệp đầu tư, với số vốn chiếm 3%, trong khi đây ngành rất quan trọng, quyết định đến an ninh lương thực và xuất khẩu của Việt Nam.
Tại diễn đàn, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chúng ta đã và đang tiến hành cải thiện môi trường kinh doanh nhưng mới tập trung vào các giải pháp cải thiện thủ tục hành chính. Các giải pháp này cần tiếp tục triển khai, nhưng đó mới là phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề là thể chế, như Nghị quyết 11-NQ/TW đã xác định hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường nhân tố sản xuất, như thị trường tài chính, thị trường công nghệ, lao động, thị trường thứ cấp, sơ cấp quyền sử dụng đất…
Tiếp theo là hoàn thiện thể chế về sở hữu, thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế để thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới...
Còn theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng, làm tốt vai trò thuyền trưởng, phải có đội ngũ làm công tác hành chính trong sạch, không nhũng nhiễu doanh nghiệp. Còn các doanh nghiệp có trách nhiệm cùng nhau lành mạnh hóa môi trường đầu tư, có tiếng nói chung trong đối thoại về chính sách với Nhà nước, cũng như có cơ chế để liên kết trong sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TP Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ lớn nhất của Nhà nước với doanh nghiệp chính là cải thiện thực sự môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, sự đồng hành giữa chính quyền và doanh nghiệp phải là thực chất. Sự hỗ trợ của Nhà nước cũng cần có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu thực của doanh nghiệp và đảm bảo đến được doanh nghiệp.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 - năm 2017 là sáng kiến để doanh nghiệp tư nhân góp tiếng nói kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng. Đồng thời, qua diễn đàn, Thủ tướng có thể lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp một cách nhanh nhất, phục vụ cho mục tiêu xây dựng Chính phủ "liêm chính, kiến tạo, hành động".