Giảm chi phí để giảm giá thành
Do nhiều tuyến đường bộ cao tốc đưa vào khai thác nên cạnh tranh về thu hút hàng hóa và hành khách của ngành đường sắt ngày càng khó khăn. Theo Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, 8 tháng qua, bốc xếp hàng hóa được gần 3,1 triệu tấn, bằng 90% kế hoạch và 95% cùng kỳ; vận chuyển được hơn 4,15 triệu lượt hành khách, bằng 87% kế hoạch và 100% cùng kỳ. Với lượng hành khách và hàng hóa sụt giảm, tổng doanh thu của Công ty chỉ được gần 1.600 tỷ đồng, bằng 87% kế hoạch và 90% cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Bính, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết: Lượng vận tải và hành khách đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai đang sụt giảm mạnh do bị đường bộ cao tốc thu hút, nhất là từ khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào khai thác tháng 9/2014.
Ngành Đường sắt đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng thị phần vận tải. |
Để tăng thị phần trong bối cảnh phải cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Vận tải - Đầu máy toa xe (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho rằng: Ngành đường sắt phải rà soát lại tất cả các chi phí để có được giá vé, giá cước hấp dẫn. Đồng quan điểm này, ông Trần Quốc Đạt, Thành viên HĐTV Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho hay: Phải rà soát lại tất cả các khâu phát sinh chi phí bất hợp lý để điều chỉnh, cắt giảm, từ đó đưa ra giá bán hợp lý. Để hấp dẫn khách hàng, cần áp dụng mức giảm giá cước phù hợp với từng khu vực, từng đối tượng khách hàng, loại hàng cụ thể; đồng thời giảm giá dịch vụ xếp dỡ.
Linh hoạt, thông thoáng chính sách
Trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, lượng hàng hóa và khách tàu liên vận quốc tế Gia Lâm - Nam Ninh cũng đang bị sụt giảm do chính sách biên giới hiện nay của Trung Quốc, cộng với các thủ tục thông quan tại cửa khẩu hai nước còn khó khăn, nên không thu hút được các công ty du lịch, lữ hành, vận tải hàng hóa. Đối với tuyến vận tải đường sắt này, trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến với các cơ quan liên quan về việc kiểm tra hành chính (biên phòng, hải quan) ngay trên tàu liên vận quốc tế, nhằm giảm thời gian xuất nhập cảnh cho du khách. Đặc biệt, cho phép khách du lịch, cư dân các tỉnh biên giới Việt Nam và Trung Quốc sử dụng giấy thông hành khi đi thăm người thân, du lịch bằng tàu hỏa qua các ga liên vận quốc tế Đồng Đăng - Bằng Tường và Lào Cai - Hà Khẩu. Như vậy, sẽ thu hút thêm lượng lớn khách du lịch, tiến tới là vận chuyển hàng hóa.
Ông Nguyễn Hữu Tuyên cho biết thêm: Hiện cần có cơ chế, chính sách linh hoạt đối với các đơn vị trong công ty và khách hàng. Với khách hàng, cần có cơ chế linh hoạt, nhất là chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng để không chỉ thu hút khách hàng mới, mà còn “giữ chân” họ với đường sắt, trong đó đặc biệt quan tâm biện pháp hợp tác đầu tư cùng khai thác. Ngay cả các đối tác là đơn vị trong ngành cũng cần quan tâm để vừa có sự cạnh tranh lành mạnh, vừa có sự hợp tác chặt chẽ cùng nâng cao thị phần vận tải đường sắt.
Được biết, Nghị định 14/2015/CP của Chính phủ vừa ban hành thay thế Nghị định 109/2006/CP, bổ sung quy định không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước khi thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh vận tải đường sắt hiệp lực tăng thị phần vận tải hiện nay.
“Cơ chế trong nội bộ phải thực sự thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, đơn vị chủ động trong sản xuất kinh doanh, nhưng họ phải chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của mình; đồng thời phải thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ”, Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Vận tải - Đầu máy toa xe (TCT Đường sắt Việt Nam) |