Xây dựng kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu tại tỉnh Ninh Thuận. |
Theo các chuyên gia về nông nghiệp, ngành thủy lợi Việt Nam đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn là đảm bảo an ninh nguồn nước và sử dụng nước sao cho không lãng phí .
GS.TS Phạm Hồng Giang, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chủ tịch Hội Đập lớn cho biết: “Việt Nam có khoảng 800 tỷ m3 nước, tương đối dồi dào, nhưng trước tình hình biến đổi khí hậu và việc xây dựng nhiều thủy điện ở các nước trong khu vực sông Mê Kông cho thấy, việc đảm bảo an ninh nguồn nước là vô cùng quan trọng”.
Thực tế cho thấy, hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là bài học lớn cho Việt Nam trong việc quy hoạch và sử dụng nước. Trong khi đó, 12 đập nằm ven sông Mê Kông ở Campuchia và Lào đã và đang được xây dựng. Hai đập lớn đang được xây ở thượng và nam Lào, chuẩn bị khởi công thêm một đập nữa ở thượng Lào. Số lượng thủy điện này sẽ đe dọa tới an ninh nước tại ĐBSCL. Ông Giang nhận định: “Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm cho chúng ta lúng túng, bị động, nhưng tới nay vẫn chưa có chủ trương rõ ràng để ứng phó với vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi Hoàng Văn Thắng cho rằng, ngành thủy lợi cũng còn bộc lộ những hạn chế: trong quản lý tổng hợp (tưới, tiêu, nguồn tài nguyên nước, phòng chống thiên tai…) vẫn có sự chồng chéo. Do vậy, theo ông Thắng, không thể hiện đại hóa ngành nông nghiệp khi mà sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ, manh mún. Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì ngành thủy lợi cũng phải tái cơ cấu mạnh mẽ.
Việc sử dụng nước tưới tiêu trong nước chưa hợp lý một phần còn do chính sách bao cấp của Nhà nước. Hiện nay, Nhà nước đang hỗ trợ nông dân thủy lợi phí, dẫn tới việc người dân sử dụng không tiết kiệm nước tưới. Bên cạnh đó, còn xảy ra tiêu cực, khi nhiều hộ nông dân cùng các công ty thủy nông xác định diện tích tưới vượt quá so với diện tích thực.
Hệ thống thủy lợi Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, tưới được 96% cho diện tích lúa, tiêu thoát nước, thoát lũ... Tuy nhiên, ngành thủy lợi vẫn đang đối mặt với 3 thách thức lớn là khí hậu cực đoan, phát triển thủy điện ở thượng nguồn và việc sử dụng nguồn nước thủy lợi chưa hợp lý. |
Ông Phạm Văn Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh nhấn mạnh: “Người dân không có nghĩa vụ đóng tiền nên sử dụng nước rất lãng phí. Các công ty khai thác nguồn nước cũng không có động lực phát triển vì được bao cấp tới ‘tận răng’”.
Để giải các bài toán khó khăn trên, ngành Thủy lợi đang tiến hành tái cơ cấu lại toàn diện Luật Thủy lợi theo hướng chuyển từ phí thủy lợi sang tính bằng giá trị sử dụng nước đã được xây dựng xong để trình Quốc hội. Tổng Cục thủy lợi cũng đang xây dựng chiến lược phòng chống thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi cho biết, để tái cơ cấu lại ngành thủy lợi, Nhà nước sẽ chỉ đầu tư công trình lớn như: phòng chống thiên tai và khó thu hồi vốn. Các công trình khác sẽ kêu gọi xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ đầu tư. Quản lý vận hành, công trình nhỏ sẽ chuyển cho các tổ chức bên dưới. Thứ hai là chuyển từ phí sang giá, giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, ai sử dụng thì phải trả tiền, còn Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho những đối tượng đặc biệt. Giá nước sẽ cao hơn nhưng như vậy mới khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Văn Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh đề xuất phương án quản lý hệ thống thủy lợi dựa theo cơ chế kinh tế thị trường, những việc gì thị trường không làm được thì Nhà nước mới làm: ví dụ như phòng chống lụt bão, hạn mặn… Thứ hai là tính đúng, tính đủ chi phí tưới ruộng, cấp kinh phí hỗ trợ cho người dân nghèo thay vì cấp kinh phí cho các công ty thủy nông, như vậy ngành thủy lợi mới phát triển lâu dài.