Chủ động được nước tưới
Ông Lê Văn Chín, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Bắc cho biết, do là xã miền núi nên việc sản xuất lương thực của xã phụ thuộc chủ yếu từ nguồn nước khe suối. Xuất phát từ việc khan hiếm nước sản xuất mà chính quyền xã đã cho áp dụng thử nghiệm mô hình “giếng thủy lợi” bằng cách khoan giếng ngay tại cánh đồng để tận dụng nguồn nước ngầm. Mô hình này đã được nhân rộng lên con số 300 giống và đã giải tỏa nỗi lo thiếu nước, nâng cao năng suất cây trồng cũng như thu nhập cho người dân trong xã.
Các hộ dân thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng bơm nước từ giếng khoan thủy lợi cho cây lúa. |
Để hỗ trợ xã Hòa Bắc phát triển sản xuất, UBND huyện Hòa Vang đã triển khai dự án đưa lưới điện từ khu dân cư ra đồng và khoan các giếng ngầm tại các cánh đồng. Kinh phí để làm các giếng khoan dao động từ 1,3 triệu đến 5 triệu đồng /giếng do UBND huyện hỗ trợ và nhân dân cùng đóng góp tùy thuộc vào chân ruộng.
Ông Hồ Tăng Học, Phó Trưởng thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc cho biết, tại thôn Nam Yên do mực nước sông Cu Đê xuống thấp nên người dân không chủ động được nguồn nước. Vì vậy, nhiều hộ dân đã chủ động khoan nguồn nước ngầm ngay tại cánh đồng để cứu hạn ngay. Mô hình độc đáo này không chỉ giúp người dân chủ động được nguồn nước tưới cho diện tích gieo trồng mà năng suất lúa cao hơn hẳn trước đây, trung bình đạt từ 60 - 65 tạ/ha. Đến nay, toàn thôn có khoảng 200 giếng khoan thủy lợi để phục vụ sản xuất.
Cần có cây trồng phù hợp
Bà Trần Thị Xăng, trú tại thôn Nam Yên cho biết, trước đây do không chủ động được nguồn nước tưới nên hơn 5 sào lúa của gia đình thường xuyên bị mất mùa, nhiều diện tích phải bỏ hoang. Các hộ gia đình khác cũng chỉ sản xuất được một vụ lúa đông xuân. Vụ hè thu ruộng đồng bỏ hoang khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh thiếu lương thực. Nhờ có mô hình "giếng thủy lợi", các hộ dân trong xã được canh tác 2 vụ nên không còn cảnh thiếu ăn. Gia đình bà vừa được hỗ trợ đào thêm 2 giếng để phục vụ sản xuất, nên vụ đông xuân năm nay gia đình bà thuê thêm 5 sào lúa để canh tác.
Cũng giống như gia đình bà Xăng, nhờ mô hình "giếng thủy lợi" gia đình ông Trần Đức Thành, thôn Nam Yên đã chủ động được nguồn nước tưới. Ông Thành cho biết, gia đình có 5 sào lúa và 1,5 mẫu mía nhờ có giếng thủy lợi nên năng suất cây trồng được nâng cao, trung bình mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu về hàng chục triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Chín, mô hình "giếng thủy lợi" chỉ là giải pháp tạm thời chống hạn hán. Việc khoan quá nhiều giếng nước trên cùng một cánh đồng sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm gây khó khăn cho sản xuất sau này. Vì vậy, nhiều diện tích thiếu nước tưới, người dân đã chủ động mở rộng diện tích sang trồng mía và cho thu nhập ổn định, với diện tích toàn xã trên 130 ha.
Bên cạnh đó, người dân ở xã Hòa Bắc cũng mạnh dạn đầu tư, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống lúa mới vào sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài xã Hòa Bắc cần nghiên cứu đưa những cây trồng phù hợp vào những diện tích thiếu nước tưới, tránh tình trạng làm suy giảm nguồn nước ngầm.