Diện tích bị hạn nặng tăng nhanh

Trong những ngày qua, diện tích các loại cây trồng bị hạn ở Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông tăng nhanh. Thực trạng trên đang đặt ra những đòi hỏi bức bách với công tác phòng chống hạn.

Ít nước về hồ thủy điện

Từ đầu tháng 3 đến nay, lưu lượng nước về hồ Sê San 4 bình quân là 107 m3/s, lưu lượng xả về hạ du qua các tổ máy để sản xuất điện năng là 102 m3/s, sản lượng điện sản xuất là 9,56 triệu kWh. Riêng ngày 9/3, mực nước hồ thủy điện Pleikrông là 564,43 m, tương ứng với dung tích nước có khả năng xả về hạ du là 685,17 triệu m3. Mực nước hồ thủy điện Ialy là 498,74 m, tương ứng với dung tích nước có khả năng xả về hạ du là 173,74 triệu m3.

Gia đình ông K’Đình, dân tộc Châu Mạ, thôn Phước Trung, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đào hồ tích nước để làm rẫy.

Phó Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, ông Nguyễn Đăng Hà cho rằng hiện nay, hồ Sê San 4 vận hành được nhờ lượng nước xả từ hồ chứa thủy điện Pleikrông và Ialy xả về. Trong khi lưu lượng nước xả về hạ du từ dung tích các hồ hiện đang có đến cuối mùa kiệt, theo tính toán trung bình là 86 m3/s. Như vậy, lưu lượng xả về hạ du từ nay cho đến cuối mùa bao gồm lưu lượng tự nhiên sông Sê San và lưu lượng xả từ các hồ dự trữ hiện có khoảng từ 90 - 195 m3/s.

Hồ Buôn Tua Sah cung cấp nước chủ yếu phục vụ canh tác nông nghiệp cho xã Ea R’Bin huyện Lắk (Đắk Lắk), một số xã thuộc huyện Krông Ana và huyện Krông Nô (Đắk Nông). Dọc hạ du hồ Buôn Kuốp, Srêpôk 3 đặc thù đồi núi đá có độ dốc cao nên canh tác nông nghiệp bị hạn chế. Như vậy, việc khai thác hồ Buôn Tua Sah đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên sông Srêpôk.

Theo kế hoạch xả nước hồ chứa Buôn Tua Srah phục vụ tưới tiêu vụ đông xuân 2015 - 2016 và vụ hè thu 2016 đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp và Chi nhánh Công ty Thủy nông huyện Krông Nô thống nhất, từ ngày 1-14/12/2015, chế độ xả hồ Buôn Tua Srah là ngày xả - ngày nghỉ để tiếp tục tích nước hồ, thời gian xả từ 10-12 giờ/ngày, xả từ 6 giờ sáng hàng ngày với lưu lượng xả khoảng 70 m3/s; từ ngày 15/12/2015 - 30/4/2016, chế độ xả là hàng ngày, thời gian xả từ 12 - 14 giờ/ngày và lưu lượng xả khoảng 90 m3/s.

Anh A Yen, làng Kon Sút, xã Đăk Bla, thành phố Kon Tum (Kon Tum) đầu tư 8 triệu đồng mua máy bơm nước cứu 3 sào lúa bị khô hạn.

Trong quá trình khai thác hồ mà chưa đáp ứng đủ nước phục vụ tưới tiêu cho hạ du thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô sẽ đề nghị Công ty Thủy điện Buôn Kuốp điều chỉnh chế độ xả hồ này phù hợp với nhu cầu sử dụng nước khu vực hạ du hồ.

Khó phục hồi nhiều diện tích cây lương thực

Bình quân mỗi ngày tỉnh Gia Lai có từ 400 - 500 ha cây trồng bị hạn. Diện tích lúa bị hạn có khả năng mất trắng là 600 ha, cá biệt như xã Ia Băng (huyện Đăk Đoa) diện tích lúa bị "xóa sổ" hoàn toàn, không còn khả năng cứu. Diện tích các loại cây trồng khác bị hạn như cà phê, hồ tiêu, mía... cũng tăng đáng kể và đang có dấu hiệu mất trắng một số diện tích ở những vùng gò đồi. Theo đó, mức thiệt hại của nông dân cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Riêng về cây lúa, thiệt hại gần trăm tỷ đồng, khả năng còn cao hơn nữa trong những ngày tới do thời tiết ở Tây Nguyên chưa có mưa và nắng nóng kéo dài. Chưa kể đến, sản lượng và chất lượng của một số loại cây kinh tế như: cà phê, hồ tiêu giảm mạnh. Riêng cây mía và cây sắn có khoảng 3.000 ha bị hạn và giảm năng suất từ 30 - 70% sản lượng.

Ngoài thiệt hại về diện tích các loại cây trồng bị hạn, nông dân bỏ công, tiền tìm nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhiều hộ chi từ 30 - 50 triệu đồng để đào giếng và bơm khoan tìm nguồn nước mạch, mua xăng dầu và thuê máy móc nạo vét ao hồ... Mặc dù, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh nỗ lực triển khai nhiều phương án tối ưu song vụ sản xuất đông xuân 2015 - 2016 này vẫn bị hạn nặng. Đến thời điểm này, UBND tỉnh Gia Lai đã ưu tiên nguồn nước tưới cho các loại cây trồng kinh tế như cà phê và hồ tiêu bởi đây là 2 loại cây trồng mũi nhọn của tỉnh và cũng là nguồn thu nhập ổn định của nhiều hộ nông dân.

Chính phủ cũng đang "vào cuộc", có kế hoạch xem xét và hỗ trợ 31,5 tỷ đồng; trong đó, dành 10 tỷ đồng chi mua xăng dầu bơm tưới chống hạn, 20 tỷ đồng nạo vét kênh mương, hồ đập, công trình cấp nước sinh hoạt nhằm giảm tối thiểu về thiệt hại cho các loại cây trồng trong những ngày tới. Đồng thời chi hỗ trợ 1,5 tỷ đồng khôi phục sản xuất cho nông dân ở những vùng khó khăn, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số mua giống cây trồng chuẩn bị sản xuất vụ mùa 2016 tới.
Mai Phương - Văn Thông - Viết Tôn
Khai thác hợp lý hồ chứa
Khai thác hợp lý hồ chứa

Cứ vào mùa khô, do dung tích các hồ chứa có hạn nên việc điều tiết, khai thác hồ chứa thủy điện một cách hợp lý có vai trò vô cùng quan trọng trong việc vừa đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, vừa cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN