Hội nghị phản biện dự án quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang

Quy hoạch thủy lợi tại tỉnh Hà Giang cần phải gắn kết chặt chẽ với hiện trạng và khai thác, quản lý các công trình thủy lợi phục vụ cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân địa phương, tái cơ cấu nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nội dung trên được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại Hội nghị phản biện báo cáo tổng hợp Dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” tổ chức ngày 10/6 tại tỉnh Hà Giang.


Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Tâm

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng báo cáo tổng hợp Dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và bản đồ hiện trạng quy hoạch các công trình thủy lợi trên địa bàn đã bám sát các nhiệm vụ, nội dung trong một số mục tại đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí dự án. Tuy nhiên, dự án quy hoạch còn cho thấy nhiều hạn chế cần phải xem xét lại. Trong đó, báo cáo chưa thể hiện được vai trò là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác quản lý, đầu tư, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, tăng cường phòng chống bão lũ và giảm nhẹ thiên tai cho nhân dân. Đặc biệt, phương án quy hoạch chưa gắn kết với một số chương trình, dự án có liên quan của tỉnh, nhất là đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chương trình nông thôn mới, chương trình cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang gồm các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.


Ông Lê Đức Năm, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, thành viên Hội đồng phản biện đánh giá: Đây là quy hoạch tổng hợp có sự kết hợp với các quy hoạch khác. Đối với quy hoạch cấp nước, cần đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi của tỉnh, xem xét công trình nào đã hỏng, công trình cần xây mới hay nâng cấp sửa chữa.


Nhấn mạnh tính gắn kết giữa quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch khác, ông Đỗ Xuân Phan, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang, thành viên Hội đồng phản biện cho rằng Quy hoạch thủy lợi không thể đứng độc lập mà phải gắn với các quy hoạch khác như quy hoạch tài nguyên nước; gắn với tái cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi cây trồng để quy hoạch cho hợp lý và hiệu quả… Hà Giang có địa hình núi dốc, ruộng đất manh mún... Nhiều khu vực diện tích đất canh tác dưới 100 ha, thậm chí dưới 50 ha, do vậy phù hợp với công trình thủy lợi vừa, nhỏ và siêu nhỏ.


Kết luận hội nghị, ông Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang, Chủ tịch Hội đồng phản biện nhận xét: Báo cáo quy hoạch của Dự án vẫn chưa xứng tầm với tầm cỡ của một báo cáo quy hoạch cấp tỉnh; trong đó các phân tích, đánh giá, luận chứng trong báo cáo chưa sâu, thiếu tính logic. Riêng bản đồ quy hoạch của dự án, cần phải được bổ sung đầy đủ các thông tin về địa danh, địa hình quan trọng trong tỉnh, gồm điểm du lịch, khu vực Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và một số Quốc lộ trên địa bàn....

Hồng Quảng
Nâng cấp, xây dựng công trình thủy lợi tại Tây Nguyên
Nâng cấp, xây dựng công trình thủy lợi tại Tây Nguyên

Từ các nguồn vốn ODA, ngân sách Nhà nước và Trái phiếu Chính phủ, từ năm 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch đầu tư trên 11.507 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới thêm trên 20 công trình thủy lợi cho các tỉnh Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN