Thiếu chủ động nguồn nướcTheo ông Nguyễn Lập Dân, Viện địa lý (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), tính đến cuối năm 2010, Tây Nguyên hiện có 2.094 công trình thủy lợi nhỏ, hệ thống kênh mương dài 8.248 km. Các công trình thủy lợi có năng lực thiết kế tưới cả năm là 280.271 ha, thực tế tưới được 191.110 ha, đạt 68% công suất thiết kế. Ngoài ra, còn cấp nước cho dân cư và thành phố như Biển Hồ cấp cho Pleicu, Ia Keo cấp cho Đắk Lắk. Phòng chống lũ mới có một vài tuyến đê nhỏ, bờ bao chống lũ sớm và lũ tiểu mãn ở một số vùng nhỏ ở vùng Lắk, Buôn Trấp.
Hồ Đắk Ken, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cạn trơ đáy dù người dân khu vực này chỉ mới tưới được khoảng 50% diện tích cà phê. Ảnh: Anh Dũng – TTXVN |
Do điều kiện địa hình, thủy thế, nguồn nước và điều kiện kinh tế nên phần lớn công trình thủy lợi đã xây dựng ở Tây Nguyên là công trình vừa và nhỏ, tưới từ vài héc-ta đến vài trăm héc-ta và sử dụng chủ yếu dòng chảy cơ bản do đó hiệu quả tưới bấp bênh, thiếu chủ động nguồn nước. Việc kiên cố hóa kênh mương trên toàn vùng chỉ đạt khoảng 25%, đây là tồn tại rất cần khắc phục sớm.
Thời gian qua, Tây Nguyên có tốc độ tăng dân số, phát triển kinh tế khá cao. Diện tích canh tác ngoài quy hoạch không kiểm soát nổi. Nhất là diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày đã phát triển vượt xa so với quy hoạch được duyệt.
Trong khi đó, các nhà máy thủy điện như An Khê - Ka Năk chuyển nước từ sông Ba qua sông Kôn, thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh chuyển nước từ sông Đồng Nai sang sông Cái Phan Rang và sông Lũy, thượng Kon Tum chuyển nước từ sông Đắk Bla (Kon Tum) sang sông Trà khúc Quảng Ngãi chỉ tính đến hiệu quả thủy điện, cấp nước nhưng chưa tính đến hệ lụy nước mặn xâm nhập sâu vào sông Đà Rằng, sông Đồng Nai. Hậu quả là nhiều sông khô hạn ở hạ lưu đập gây ảnh hưởng tới môi trường, sinh thái cũng như việc khai thác và sử dụng nước.
Việc chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực khác nếu không có sự đồng thuận ngay từ đầu sẽ gây ra những mâu thuẫn giữa các địa phương. Trong khi đó, phần lớn các thủy điện nhỏ không bố trí phương án công trình để chủ động xả nước về hạ du, không đảm bảo xả nước khi cần thiết. Mặt khác, công tác quản lý và phân phối, sử dụng nước còn lãng phí, tổn thất nhiều do hệ thống kênh mương chưa đồng bộ, hệ thống công trình nội đồng còn thiếu, dẫn đến việc sử dụng nguồn nước chưa tiết kiệm. Công tác quản lý tài nguyên nước bao gồm quản lý số lượng, chất lượng nước, quản lý khai thác các mặt lợi, phòng chống và hạn chế các mặt hại của nước; phát triển, khai thác và bảo vệ nguồn nước phân tán và chưa phù hợp.
Hạn hán và hoang mạc hóa sẽ kéo dàiTheo các nhà khoa học, Tây Nguyên có lượng nước phong phú nhưng vào thời kỳ mùa khô, hạn hán vẫn xảy ra liên tiếp và thường gây ảnh hưởng trên diện rộng. Mùa hạn hiện nay phổ biến từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, có nơi mùa hạn dài hơn như ở Ayunpa từ tháng 12 đến tháng 4.
Ông Nguyễn Lập Dân, Viện địa lý (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng: Theo kịch bản biến đổi khí hậu trung bình B2, so với thời kỳ 1980-1999 cấp độ hạn ở Tây Nguyên sẽ tăng 0,3-0,7 vào năm 2020. Với mức tăng như trên, cấp độ hạn vào năm 2020 phổ biến là 3 và 4 ở bắc Tây Nguyên, trung Tây Nguyên, cấp 2 ở nam Tây Nguyên. Sự gia tăng cấp độ hạn lãnh thổ Tây Nguyên chắc chắn mở rộng về thời gian của mùa hạn, độ dài mùa hạn phổ biến kéo dài thêm 10-22 ngày vào năm 2020.
Vào năm 2050, mùa hạn sẽ kéo dài thêm 35-60 ngày. Năm 2010, mùa hạn kéo dài 70-105 ngày so với thời kỳ 1980-1999. Với sự gia tăng hạn hán như trên, nguy cơ hoang mạc hóa ở bắc Tây Nguyên, trung Tây Nguyên sẽ rất nghiêm trọng, không thua kém các vùng hạn hán điển hình như cực Nam Trung Bộ.
Để khắc phục tình trạng này, theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cần phát huy tác dụng của các hồ chứa. Hiện nay, hồ chứa Ea Knuếch, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã được xác định trong quy hoạch thủy lợi của tỉnh giai đoạn 2010-2020, thuộc phần quy hoạch các hồ chứa tiểu vùng trung du sông Krông Na. Hồ chứa Ea Knuếch dự kiến có dung tích 3,2 triệu m3, được xác định tưới cho 750 ha cây trồng các loại.
Qua nghiên cứu cho thấy, việc xây dựng hồ chứa Ea Knuếch phù hợp với địa hình lưu vực Ea Knuếch, bổ cập nước ngầm cho giếng và cung cấp nguồn nước sạch, nước sinh hoạt cho các hộ dân của xã Ea kẹnh và xã Ea Knuếch, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất ngành trồng trọt bao gồm các cây công nghiệp và lúa nước. Đặc biệt đối với nguồn nước tưới cho cây cà phê - cây công nghiệp chủ lực của Đắk Lắk, việc xây dựng hồ chứa Ea Knuếch sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ tưới cà phê bằng nguồn nước mặt từ 976,29 ha tăng lên 1.206,6 ha, diện tích tưới bằng nước ngầm từ 2.196,84 ha giảm xuống còn 1.966,53 ha, giảm áp lực khai thác nguồn nước ngầm cho khu vực.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, các tỉnh Tây Nguyên cần đề xuất giải pháp đảm bảo điều hòa phân phối tài nguyên nước theo các nguyên tắc của luật tài nguyên nước, đặc biệt giảm ngập lụt vào mùa lũ và hạn hán vào mùa khô cho các lưu vực sông Ba, sông Sê San, sông Sêrêpốk, sông Đồng Nai. Tăng thêm các công trình khai thác nước mặt cho các lưu vực sông và các giải pháp tưới tiết kiệm nước, giữ ẩm trong đất.
Cảnh báo, dự báo nguồn nước, các vận hành hợp lý khai thác công trình thủy lợi, thủy điện. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi. Cần thực hiện giám sát quản lý tài nguyên nước đồng thời thành lập Ủy ban lưu vực sông ở Tây Nguyên; tiến hành quản lý tổng hợp lưu vực sông Tây Nguyên, sử dụng hợp lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai.