Mất trắng vì làm lúa vụ 3

Sau khi gây thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất nhiều diện tích lúa đông xuân của huyện Trần Đề, thì hiện tình trạng hạn mặn tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trà lúa xuân hè (còn gọi là lúa vụ 3) trên địa bàn của tỉnh Sóc Trăng; trong đó 2 địa phương ven sông Hậu là huyện Long Phú và Kế Sách bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa bị chết khô và không thể cứu vãn được; trong khi các diện tích còn lại cũng đang trong tình trạng bị đe dọa trầm trọng.

Hạn hán và mặn xâm nhập sớm khiến các diện tích lúa xuân hè của huyện Long Phú bị khô cằn từ thời điểm trước Tết Nguyên đán. Những mẫu ruộng khô nứt nẻ với các trà lúa đang trong giai đoạn từ mạ đến làm đòng là hình ảnh rất dễ bắt gặp tại đây. Đang chờ con nước để bơm lên cứu lúa, anh Lâm Hoàng Minh, ấp 4, thị trấn Long Phú, rầu rĩ cho biết: hơn một nửa diện tích vụ lúa xuân hè của gia đình đến nay gần như bỏ trắng vì không có nước bơm. Vụ này gia đình làm được 60 công (mỗi công 1.000 m2) mà giờ đã bỏ hết 30 công. "Vụ này nước mặn lên sớm, chịu thua chứ biết sao giờ. Mấy hôm nay đang chờ con nước lên là bơm lên ruộng, vớt vát được phần nào hay phần ấy", anh Minh nói.

Người dân xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng sử dụng máy cuộn rơm để lấy rơm tái sử dụng, thay vì đốt cháy trên đồng ruộng, tránh phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, một trong những yếu tố làm khí hậu nóng lên. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Theo các hộ dân tại đây, vụ xuân hè những năm trước thường cho năng suất khá và ổn định, trung bình đạt 6,5 tấn/ha nên vụ 3 các gia đình đều hăng hái làm. Năm nay, nhiều nông dân tiếp tục sản xuất, bất chấp sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương là không nên gieo sạ ở những vùng dễ bị tổn thương bởi hạn mặn.

Anh Chiêm Hoàng Thông, ngụ tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú chia sẻ: "Chính quyền cũng thông báo không nên làm vụ 3 nhưng thấy đất bỏ trống nên ráng làm. Vụ này cũng làm được 50 công nhưng ảnh hưởng mặn nên hỏng trên 20 công. Hơn 30 công còn lại phải chờ con nước ngọt sắp tới mới biết vì giờ nước dưới sông cũng đã cạn hết. Tới đâu hay tới đó vậy”.

Mặc dù tại cống Bà Xẩm mới đây độ mặn đo được giảm xuống chỉ còn dưới 2 phần nghìn và được mở cống để đưa nước vào tưới tiêu cứu trà lúa đang bị khô, song theo quan sát, lượng nước tại nhiều kênh nội đồng trên địa bàn huyện Long Phú vẫn rất ít, thậm chí nhiều kênh luôn trong tình trạng cạn kiệt.

Năm nay hạn, mặn đến sớm, gay gắt và kéo dài hơn mọi năm nên kế hoạch sản xuất vụ lúa xuân hè ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có nhiều thay đổi.Ảnh:Duy Khương - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, năm nay, hạn mặn đến sớm, gay gắt và kéo dài hơn mọi năm nên kế hoạch sản xuất vụ lúa xuân hè của địa phương chỉ 5.000 ha; chỉ được sản xuất ở các vùng phía trên không chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Đồng thời, huyện khuyến cáo các xã nằm trong vùng dự án đê bao kênh Long Phú - Tiếp Nhật không nên gieo sạ, vì đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của mặn xâm nhập hàng năm.

Theo thống kê, vụ xuân hè năm nay, toàn huyện xuống giống gần 5.300 ha; trong đó, khoảng 2.000 ha được bà con sản xuất tại khu vực nằm trong đê bao Long Phú - Tiếp Nhật được ngành khuyến cáo là không nên gieo sạ. Các diện tích này hiện đều đang trong tình trạng bị ảnh hưởng khá nặng nề vì thiếu nước ngọt tưới tiêu với 78 ha bị thiệt hại trắng. Tình hình lúa xuân hè của địa phương sẽ còn bị ảnh hưởng nặng, thậm chí là tỷ lệ thiệt hại sẽ tăng cao nếu trong thời gian tới hạn mặn còn diễn biến gay gắt.

Trong khi đó, tình trạng xâm nhập mặn trong những ngày qua tại huyện Kế Sách cũng đang ở mức báo động. Mặn đã xâm nhập sâu gần toàn bộ các xã, thị trấn của huyện. Bên cạnh đó, thời gian mặn xâm nhập cũng kéo dài lâu hơn, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Tính đến thời điểm này, đã có khoảng 750 ha diện tích lúa xuân hè của nông dân bị ảnh hưởng; trong đó, gần 9 ha bị thiệt hại hoàn toàn. Ngoài ra, một số diện tích rau màu, cây ăn trái, ao nuôi trồng thủy hải sản được ghi nhận cũng chịu thiệt hại trong đợt mặn xâm nhập vừa qua. Hiện ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương gấp rút tập huấn nông dân giải pháp ứng phó với mặn đối với các địa phương mới bị mặn xâm nhập lần đầu, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc và cứu trà lúa đã bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập.

Theo ông Vũ Bá Quan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kế Sách, ngành nông nghiệp sẽ theo dõi diễn biến độ mặn ở tất các các xã trên địa bàn của huyện. Trên cơ sở nồng độ mặn của từng nơi, hướng dẫn nông dân biện pháp kỹ thuật, lấy nước hoặc không lấy nước vào ruộng. Tùy theo giai đoạn sinh trưởng của từng cây trồng sẽ có những cái khuyến cáo cụ thể. Dự báo trong thời gian sắp tới, hạn mặn sẽ còn gay gắt, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Huyện Kế Sách sẽ hỗ trợ nông dân bằng việc cấp phát 100 dụng cụ đo độ mặn loại đơn giản cho các địa phương để có phương tiện theo dõi độ mặn thường xuyên, chủ động ứng phó kịp thời.

Các tuyến kênh cạn nước, cộng với thời tiết khô hanh khiến việc cứu các trà lúa vất vả. Sóc Trăng có thêm một vụ mùa được dự báo là thất bại, nhưng thức tỉnh được nông dân khi sản xuất còn kiểu bất chấp, “xé rào”, không theo khuyến cáo của ngành chức năng về cơ cấu mùa vụ và các nguy cơ đe dọa sản xuất.
Chanh Đa
Xen canh để thích ứng biến đổi khí hậu
Xen canh để thích ứng biến đổi khí hậu

Các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai đã tuyên truyền, vận động các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê mở rộng việc trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm như sầu riêng, bơ, mít, hồ tiêu… trong vườn cà phê để không những thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn giảm được số lần tưới nước vào mùa khô, tăng thêm thu nhập trên từng đơn vị diện tích so với trồng thuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN