Cụ thể, giá dứa thương phẩm loại I được thương lại thu mua đến 11.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay; loại II, III cũng có giá 8.000 – 9.000 đồng/kg; cao hơn tháng trước khoảng 1.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi hé ta dứa bà con đạt giá trị sản xuất đến khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng.
Ông Trần Văn Cường, cư ngụ tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước canh tác 20 ha dứa phấn khởi cho biết, trong năm nay, sản lượng dứa thương phẩm của gia đình đạt khoảng 400 tấn, thu khoảng 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng. Nhờ cây dứa, ông đã tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng trên miền đất mới khai hoang Đồng Tháp Mười.
Với kinh nghiệm nhiều năm thâm canh dứa, ông Trần Văn Cường đánh giá, năm nay, dứa luôn có giá cao bởi nhu cầu thị trường cao, đồng thời nông dân vùng chuyên canh quan tâm ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa. Đặc biệt, với kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ được áp dụng rộng rãi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tránh được nguy cơ “trúng mùa, mất giá” như trước đây.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, trong năm 2023, giá dứa luôn đứng ở mức cao, bình quân từ 9.000-10.000 đồng/kg. Thời điểm giáp Tết Dương lịch, giá dứa tăng mạnh, cao gần gấp đôi năm trước. giúp nông dân vùng chuyên canh tăng thêm nguồn thu nhập nên cuộc sống ổn định.
Ông Trần Hoàng Phong chia sẻ, hiện nay nông dân trong vùng đã khai hoang, trồng được gần 15.400 ha dứa chuyên canh, mỗi năm cho sản lượng thu hoạch khoảng 300.000 tấn dứa thương phẩm, lớn nhất tỉnh Tiền Giang và là cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả cây dứa, năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước đã tổ chức gần 200 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho gần 4.300 hộ nông dân vùng chuyên canh, chủ yếu kỹ thuật thâm canh, tuyển chọn giống tốt, cải tạo và trẻ hóa vườn dứa, xử lý cho trái rải vụ để có sản phẩm thu hoạch quanh năm...
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước Trần Hoàng Mỵ cho biết, với kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ, chủ động thời điểm thu hoạch được ngành nông nghiệp đúc kết, chuyển giao và nông dân đang áp dụng một cách rộng rãi đã tạo nên cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên lĩnh vực thâm canh cây dứa đặc sản vùng Đồng Tháp Mười.
Nhờ vậy, dứa Tân Phước cho thu hoạch gần như quanh năm, giảm được nguy cơ được mùa, mất giá do mất cân đối cung - cầu thị trường nông sản. Do đó, nông dân vùng trồng dứa chuyên canh an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh.