Điều đó có nghĩa các chủ hàng và công ty bảo hiểm phương Tây ở các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vẫn có thể cung cấp dịch vụ thanh toán cho các đơn hàng mua dầu thô của Nga mà không sợ bị trừng phạt.
Bộ trên cũng lưu ý việc giá dầu Urals giảm so với mức trung bình 71,1 USD/thùng trong tháng trước không phải do mức giá trần, mà do xu hướng giảm chung của giá dầu toàn cầu.
Giá Urals hiện thấp hơn nhiều so với mức 80 USD/thùng của loại dầu Brent - vốn là tiêu chuẩn quốc tế.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính Mỹ, mức giới hạn 60 USD/thùng nêu trên được áp dụng cho giá FOB, vốn không bao gồm chi phí bảo hiểm và vận chuyển. Đó là giá bán cho dầu Urals nếu người mua lấy hàng trực tiếp từ một trạm trung chuyển của Nga.
Trong khi đó, giá dầu Urals của Bộ Tài chính Nga được tính toán bởi cơ quan định giá Argus. Cơ quan này có tính đến giá dầu ở khu vực Biển Baltic và Biển Đen bao gồm cả tiền hàng, chi phí bảo hiểm và cước vận chuyển (CIF), vốn cao hơn giá mức FOB.
Theo dữ liệu của Reuters, dầu Ural giao từ cảng Novorossiisk ở Biển Đen theo giá FOB hiện là 48,69 USD/thùng và giá CIF là 57,28 USD/thùng.
Giới quan sát lưu ý rằng chênh lệch giá giữa dầu Ural và dầu Brent giao theo kỳ hạn đã tăng mạnh từ đầu tháng Hai, khi nó đứng ở mức -1 USD. Bây giờ, mức chênh lệch đã lên tới -30 USD.
Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thuộc Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã áp mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga. Mức trần giá trên có hiệu lực từ ngày 5/12, cùng với lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô từ Nga bằng đường biển và các cam kết tương tự của Mỹ, Canada, Nhật Bản và nước Anh.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định mức giá trần sẽ ít gây tác động ngay lập tức đến doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Theo Bộ Tài chính nước này, xuất khẩu dầu khí dự kiến chiếm 42% nguồn thu tài chính của Nga trong năm nay với giá trị 11.700 tỷ ruble (khoảng 180,7 tỷ USD), tăng từ mức 36% hay 9.100 tỷ ruble (141,1 tỷ USD) vào năm 2021.