Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 14 xu Mỹ (tương đương 0,2%) xuống 81,07 USD/thùng lúc 14 giờ 28 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 22 xu Mỹ (0,3%) xuống còn 75,89 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đều giảm 2% trong phiên trước đó, khi đồng USD mạnh lên và các ngân hàng trung ương ở châu Âu tăng lãi suất.
Các nhà phân tích từ công ty nghiên cứu và tư vấn ANZ Research cho biết xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành công nghiệp năng lượng. Khả năng các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất sau những bình luận “diều hâu” từ các nhà hoạch định chính sách cũng đè nặng lên tâm lý thị trường.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 14/12 cho biết sẽ vẫn điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng vào năm tới, ngay cả khi nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái. Sang ngày 15/12, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng nâng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, các hợp đồng dầu tiêu chuẩn đang trên đà đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 10. Điều này là nhờ thông tin nguồn cung có khả năng thắt chặt sau khi tập đoàn năng lượng TC Energy Corp của Canada đóng cửa đường ống Keystone sau một vụ rò rỉ, cùng triển vọng nhu cầu tăng lên vào năm 2023 đã nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư .
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi vào năm tới sau khi giảm vào năm 2022, lên 400.000 thùng mỗi ngày. IEA cũng đã nâng ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 lên 1,7 triệu thùng/ngày.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu là 2,55 triệu thùng/ngày trong năm nay và 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2023 sau nhiều lần hạ cấp. Theo OPEC, dù khả năng xảy ra suy thoái kinh tế khá rõ ràng, nhu cầu năng lượng vẫn có tiềm năng tăng trưởng từ việc Trung Quốc nới lỏng chính sách "Zero COVID".