Tuy nhiên, sự thiếu chắc chắn trong lộ trình cắt giảm sản lượng mà Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) khởi xướng đã phần nào hạn chế đà tăng của giá “vàng đen”.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 65 xu Mỹ (1%), lên 64,05 USD/thùng. Còn tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 54 xu Mỹ (0,8%), lên 71,72 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục nhận được lực đẩy sau khi báo cáo cùng ngày của Viện dầu khí Mỹ (API) cho hay dự trữ dầu thô của nước này đã bất ngờ giảm 3,1 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 12/4), đi ngược với dự báo tăng 1,7 triệu thùng của giới phân tích. Dự kiến, số liệu chính thức từ Bộ Năng lượng Mỹ về dự trữ nguồn cung sẽ được công bố trong ngày 17/4.
Tại Libya, cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn sau khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar mở cuộc tấn công vào khu vực miền Tây Libya, qua đó khiến nguồn cung dầu của nước thành viên OPEC này tiếp tục bị gián đoạn. Trong khi đó, lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với hai quốc gia thành viên khác của OPEC là Iran và Venezuela cũng thắt chặt hoạt động xuất khẩu dầu của hai nước này. Lượng dầu thô xuất khẩu của Iran trong tháng Tư này đã hạ xuống mức thấp nhất theo ngày kể từ đầu năm nay.
Giá dầu thế giới đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm tới nay, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước đồng minh. OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào tháng Sáu tới để quyết định có tiếp tục kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Saudi Arabia, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu OPEC, được xem là vẫn muốn tiếp tục thực hiện việc cắt giảm, song một số nguồn tin trong OPEC cho biết có thể các thành viên OPEC sẽ tăng sản lượng từ tháng Bảy tới, nếu sự gián đoạn nguồn cung tiếp diễn ở những nơi khác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay, nước này và OPEC có thể quyết định nâng sản lượng dầu nhằm cạnh tranh thị phần với Mỹ, song điều này có thể sẽ đẩy giá dầu xuống 40 USD/thùng.