Ngoài ra, báo cáo về dự trữ dầu thô gia tăng của Mỹ cũng tác động tiêu cực tới thị trường năng lượng.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn giảm 1,03 USD, xuống 63,58 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 90 xu Mỹ, xuống 70,83 USD/thùng.
Theo nguồn tin liên quan tới thị trường dầu mỏ, OPEC có khả năng sẽ nâng sản lượng dầu từ tháng Bảy tới nếu nguồn cung của Venezuela và Iran tiếp tục bị thắt chặt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và giá dầu duy trì đà đi lên, bởi việc tổ chức này gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng cùng với Nga và một số đồng minh khác có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị thu hẹp quá mức.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, sản lượng dầu thô của Venezuela đã giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày do các lệnh trừng phạt của Washington, thậm chí dưới mức 960.000 thùng/ngày mà OPEC báo cáo ngày 10/4. Trong khi đó, nguồn cung của Iran có thể giảm sâu hơn nữa sau tháng 5/2019 như nhiều người dự đoán, nếu Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
OPEC và các đồng minh trong đó có Nga dự kiến sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 25-26/6 tới để đưa ra chính sách của họ. Theo IEA, tổng sản lượng của OPEC đã giảm 550.000 thùng/ngày trong tháng 3/2019, xuống còn 30,1 triệu thùng/ngày. Cơ quan điều phối chính sách năng lượng của các quốc gia phát triển này cũng lưu ý, lượng dự trữ dầu ở các nước công nghiệp giảm 21,7 triệu thùng trong tháng 2/2019, khiến lượng dầu tồn kho trên toàn cầu cao hơn 16 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm qua.
Giới thị trường quan ngại rằng việc OPEC nâng sản lượng có thể làm gia tăng mối lo về nguồn cung dồi dào của Mỹ. Báo cáo ngày 10/4 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước (kết thúc ngày 5/4) đã tăng thêm 7 triệu thùng lên 456,6 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2017. Cũng theo EIA, sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn giữ ở mức kỷ lục là 12,2 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ vượt qua Nga và Saudi Arabia trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.