Gánh nặng tiền tệ và nỗ lực vượt khó

Gần 3 năm, vượt lên khó khăn mà nền kinh tế quốc gia phải đối mặt, trong đó có việc điều khiển cán cân tiền tệ, có thể thấy rõ nỗ lực không mệt mỏi của Ngân hàng Nhà nước. Lạm phát được kiềm chế và đưa vào tầm kiểm soát, chính sách tín dụng đã chủ động định hướng, dẫn dắt thị trường, thị trường vàng đi vào quĩ đạo, dưới sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và đặc biệt, là cấp cứu an toàn những tổn thương của nền kinh tế do những va chạm mạnh với cơn khủng hoảng tín dụng thế giới.

 

Đối đầu với lạm phát


Mạch máu của nền kinh tế chính là tiền tệ, ngân hàng. Cơ quan điều phối hoạt động này được coi là trái tim của nền kinh tế. Mọi quyết sách từ ngân hàng trung ương nếu sai lầm, có thể đánh sập lĩnh vực sản xuất, thậm chí gây ra những cơn địa chấn kinh tế. Ngược lại, với chính sách phù hợp, tín dụng sẽ như cơn gió mạnh, khơi thông nguồn vốn toàn xã hội, đem lại nhịp độ tăng trưởng nhanh cho cả nền kinh tế.

 

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Sở giao dịch Maritime Bank, 115 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.


Năm 2011 bắt đầu với những dấu hiệu le lói phục hồi của nền kinh tế nhưng đi kèm với nó là sự gia tăng ‘’nước đại” của chỉ số giá tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm, lạm phát tăng 13,29% so với đầu năm và tăng 20% so cùng kỳ năm trước, kiềm chế lạm phát dưới 15% thành một nhiệm vụ bất khả thi. Thị trường bất động sản và chứng khoán cùng lúc tụt dốc không phanh, đặt nền tài chính đất nước vào bối cảnh hết sức khó khăn.


Trước tình hình này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã điều hành thị trường tiền tệ thông suốt, do đó tình hình kinh tế những tháng cuối năm đã có dấu hiệu cải thiện. Năm 2011 lạm phát có dấu hiệu chững lại và giảm dần từ mức 22% xuống 18,13% trong tháng cuối năm. Đến cuối năm 2012, lãi suất huy động VND giảm mạnh từ 3-6%/năm, lãi suất cho vay giảm từ 5-9%/năm so với cuối năm 2011 và trở về mức lãi suất của năm 2007, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Mới đây, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng giám đốc IMF Christine Largarde, Chủ tịch WB Jim Yong Kim đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, qua đó tạo nền tảng vĩ mô ổn định, vững chắc để góp phần thu hút mạnh hơn nữa các luồng vốn FDI nhằm giúp Việt Nam tiếp tục phát triển. IMF và WB khuyến khích Việt Nam cải cách cơ cấu kinh tế, phát triển hơn nữa khu vực tư nhân, tiếp tục cải cách khu vực tài chính và duy trì chính sách tiền tệ hiện tại.

Đến cuối tháng 8/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,16% so với cuối năm 2012, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo. Các mức lãi suất chủ chốt được điều hành theo hướng giảm dần, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Sau nhiều tháng tăng chậm, tín dụng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, nhu cầu của doanh nghiệp về vốn cho sản xuất kinh doanh đã tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đã cải thiện.


Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận nền kinh tế đất nước đã có chuyển biến tích cực, trong đó có hoạt động tín dụng, ngân hàng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Tái cơ cấu ngân hàng đạt được một số kết quả nhất định, đảm bảo an toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất giảm mạnh, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Nhìn nhận về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cho rằng, ngân hàng và doanh nghiệp đều tích cực tiến hành tái cơ cấu và theo chiều hướng tốt dần.

 

Ngân hàng cũng tích cực cơ cấu nợ xấu và tìm những dự án hiệu quả để cho vay. Bản thân các ngân hàng cũng đã tự giảm lương cán bộ để giảm chi phí về vốn, trong khi có những đơn vị lỗ mà lương vẫn cao. Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) nhìn nhận: Bên cạnh các chính sách tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp hỗ trợ thị trường, vốn tín dụng ngân hàng đã tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên mà chính sách tín dụng ngân hàng đã kiên trì nỗ lực vươn tới đó là ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chính sách tín dụng ngân hàng đã được xem như là một trong những giải pháp cơ bản nhằm động viên và khai thác các nguồn lực trong dân về đầu tư cho phát triển nông nghiệp vào xây dựng nông thôn mới.


Chuyện của người "xin nửa giải Nobel"


Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 10/10/2011 đặt ra nhiệm vụ quan trọng là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung vào cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại.


Khi đó cả hệ thống đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tiến hành tái cơ cấu với nhiều khó khăn, bất ổn kinh tế vĩ mô. Gánh nặng chịu trách nhiệm cao nhất để cải tổ cái hệ thống mạch máu nhằm đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa góp phần hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Hơn 2 năm qua, dường như việc lên trang nhất của các tờ báo lớn với "nhiệt độ" chưa bao giờ giảm đối với Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng.


Tuy nhiên, cùng với sự đoàn kết của toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay và cả liên ngân hàng giảm mạnh xuống mức thấp do thanh khoản hệ thống dồi dào, tiền gửi của khu vực dân cư và tổ chức kinh tế tăng mạnh. Ngoài ra, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và ổn định tỷ giá cũng được coi là thành công của NHNN trong thời gian qua. Nói về thành công nổi bật của chính sách tiền tệ thời gian qua, các chuyên gia kinh tế ghi nhận đặc biệt về chính sách lãi suất. Chỉ trong vòng hai năm, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 20-25%/năm về bằng mức lãi suất trong giai đoạn 2005-2006.


Các chuyên gia đánh giá, cho đến thời điểm này, khi dự báo lạm phát cho cả năm 2013 là khoảng 7% thì cùng lúc NHNN cũng đưa ra được trần lãi suất huy động về mức 7%. Đây là mức lãi suất hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và vi mô. Mức lãi suất này đã bằng với thời điểm năm 2006, trước vòng xoáy bất ổn kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đã vướng phải sau đó. Một điểm cộng nữa trong nỗ lực điều hành tiền tệ là chính sách tỷ giá hối đoái. Hơn 2 năm qua, NHNN đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chuyển dần quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Nhờ vậy, trong năm 2012 và 9 tháng qua, NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước được cải thiện rõ nét.


Bắt tay vào tái cơ cấu ngân hàng, đòi hỏi không chỉ trí tuệ mà còn phải hết sức bản lĩnh, quyết đoán. Để từ đó, những mô hình cũ, bất cập, thiếu hiệu quả được thay thế bởi phương thức mới, phục vụ đắc lực hơn cho nền kinh tế. Còn nhớ, những lần đăng đàn trả lời chất vấn và giải trình tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội cuối tháng 10/2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình liên tục đối diện hàng loạt câu hỏi và truy vấn của các đại biểu dành cho ông mà trọng tâm là nợ xấu, thị trường tiền tệ, vàng và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.


Trả lời chất vấn của Quốc hội Kỳ họp thứ 4, Thống đốc tái khẳng định rằng ông coi nợ xấu là nghiêm trọng, không phải vì con số nợ, mà vì diễn biến nợ tăng rất nhanh trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, ông cũng quả quyết, việc giải quyết nợ đang đi đúng hướng.

 

Thanh Ba

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN