Sức ép tăng lãi suất đến Việt Nam
Đêm 21/9 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Thị trường mở, cơ quan hoạch định chính sách của FED đã kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Đúng như những dự báo trước đó của thị trường, cơ quan này đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, FED tăng lãi suất sẽ làm tăng giá trị USD, thu hút vốn đầu tư về Mỹ. Việc tăng giá trị USD cũng làm giảm tương ứng giá trị của các đồng tiền khác trên thế giới. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của mỗi quốc gia. “Với Việt Nam, việc điều hành tỷ giá hối đoái vẫn tốt và ổn định. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là nâng cao sự ổn định, giữ vị thế đồng Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, chú trọng nhất là giữ ổn định đồng Việt Nam so với USD”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Một số chuyên gia cho biết: Giá trị USD tăng dẫn đến vay nợ trên thị trường quốc tế tăng lãi suất, gây sức ép tăng lãi suất đến Việt Nam, đây cũng là bài toán mà NHNN cần giải quyết. Trong trường hợp không thể giữ ổn định tỷ giá, mức trượt giá của VND so với USD nên khống chế để không vượt quá 2%. “Giữ ổn định tỷ giá đồng Việt Nam so với USD là một chính sách cực kỳ quan trọng để ổn định lạm phát cơ bản, từ đó góp phần ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường và đảm bảo chỉ số lạm phát ở mức thấp”, giảng viên Học viện Tài chính cho biết.
Tiến sỹ Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam nhận định: Việc FED tăng lãi suất 0,75 điểm % và cuối năm nay dự kiến đạt mức 4 - 4,25% nên NHNN tăng trần lãi suất huy động là hợp lý. Thông thường, lãi suất tăng, cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao. Bên cạnh đó, tăng lãi suất sẽ làm dịu bớt thị trường lao động nóng. Ngoài ra, tăng lãi suất làm cho đồng nội tệ tăng lên, tỷ giá sẽ giảm xuống.
Trước đó, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh chia sẻ: Áp lực tăng lãi suất của Việt Nam hiện rất lớn khi chịu tác động của cả việc FED tăng lãi suất và đặc biệt là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng rất cao. Dự báo về lãi suất những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng lãi suất vẫn đang có xu hướng tăng. Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều sẽ tăng nhẹ. Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp.
Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Việc FED tăng lãi suất, kéo theo USD lên giá là một động thái không mới. Do đó, cũng giống như những lần trước, Việt Nam sẽ chịu một số tác động nhưng không quá lớn. Đầu tiên, việc này sẽ khiến chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng USD tăng lên. Ngoài ra sẽ tác động một phần tới tỷ giá. Cuối cùng là việc này có thể tạo nên sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, tức là khi FED tăng lãi suất, dòng vốn sẽ quay về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn và một quần quay trở lại châu Âu vì mức độ rủi ro ở đó được đánh giá thấp.
“Tuy nhiên, khả năng dịch chuyển vốn ở Việt Nam không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn. FED tăng lãi suất sẽ chỉ tác động một phần nhỏ, không đáng kể đến tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam”, TS Cấn Văn Lực khẳng định.
Phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc đại dịch
Theo Giám đốc Quốc gia của ADB, ông Andrew Jeffries, kinh tế Việt Nam vẫn khá khoẻ mạnh trong môi trường như hiện nay, tất nhiên các yếu tố rủi ro cũng vẫn cần được cân nhắc. Nhưng Việt Nam đang có điều kiện vượt bão khá tốt so với những quốc gia láng giềng thuộc Đông Nam Á. Về tỷ lệ lạm phát, ngân hàng ADB dự báo đến cuối năm tỷ lệ lạm phát chỉ là 3,8%. Mức nợ công cũng tương đối thấp, chỉ chiếm 43% GDP.
Việt Nam đã có thể huy động vốn đáng kể thông qua thị trường trái phiếu trong nước bằng nội tệ. Đồng nội tệ Việt Nam đồng cũng khá là bình ổn. Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực ròng, tức là Việt Nam hưởng lợi khi giá thực phẩm tăng tại các quốc gia châu Âu và Mỹ. "Việt Nam có chính sách tài chính thận trọng cũng như kinh tế vĩ mô ổn định đang có điều kiện để chống đỡ tốt với những cú sốc bên ngoài", ông Andrew Jeffries nhận định.
Dù còn hơn 1 quý nữa mới kết thúc năm 2022, nhưng với đà tăng trưởng khả quan, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát có hiệu quả lạm phát, nhiều chuyên gia dự báo lạc quan, tăng trưởng GDP trong năm 2022 có thể đạt mức 7%. Đây là cú "lội ngược dòng" thành công của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn.
Đến nay, các tổ chức quốc tế đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam cao hơn so với đầu năm. Ngân hàng Thế giới (WB) nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,5% (trong dự báo tháng 2) lên 7,5% (tháng 8). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6,5% hồi đầu năm lên 7% trong báo cáo gần đây. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm xu hướng phục hồi tích cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng năm 2022 đạt gần 150 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng. Theo Tổng cục Thống kê, những con số kể trên phần nào đó biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vào các chính sách ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.
“Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã thực sự kích thích nền kinh tế phát triển, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân. Dự kiến, việc triển khai thực hiện chương trình sẽ đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng GDP của năm 2022. Ước tính cả năm nay tăng trưởng đạt 7,5%”, PGS TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế cho biết.
Theo ông Nguyễn Trúc Lê, để thúc đẩy các gói hỗ trợ, các cơ quan quản lý cần có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức. Việc hỗ trợ cần có mục tiêu như ưu tiên với các ngành trong lĩnh vực tạo bệ đỡ cho nền kinh tế như logistics, công nghiệp hỗ trợ…
Về dài hạn, nên điều chỉnh giảm chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế. “Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể.
NHNN ban hành đã các quyết định điều chỉnh loạt lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 23/9.
Để giảm áp lực can thiệp nâng giá đồng Việt Nam và tránh sự chênh lệch lãi suất giữa VND và lãi suất của các đồng tiền khác trên thế giới sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư ở Việt Nam kém hấp dẫn so với các nước, NHNN đã tăng lãi suất điều hành.
Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua NHNN tăng loạt lãi suất điều hành bao gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn.
Cụ thể: Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã được cơ quan quản lý tăng thêm 1 điểm phần trăm, từ 4%/năm lên 5%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô được áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn tương đương 5,5%/năm. Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm.
Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu cũng được điều chỉnh tăng thêm 1 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 5%/năm và 3,5%/năm.