Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến Fed tăng lãi suất để điều hành phù hợp

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên trì các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.

Chú thích ảnh
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh tư liệu: TTXVN

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sau động thái tăng lãi suất đêm qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng tiền nhiều nước trên thế giới đều mất giá so với USD như Euro thì mất giá 1,31%, bảng Anh 0,95%, nhân dân tệ là 0,44%. Tính trung bình từ đầu năm đến năm các đồng tiền trên thế giới mất giá rất mạnh như: đồng Yên mất giá 25%, euro 13,5%,  bảng Anh 20%, Bath  11,95%,  won 17,57%... trong khi đó, tiền VND chỉ mất giá khoảng 3,8%.

Thống đốc cho biết, tính đến ngày 21/9, đồng USD đã tăng 15% so với cuối năm trước và 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 38 năm qua và cũng chính là nguyên nhân khiến cho việc các đồng tiền khác mất giá mạnh so với đồng USD.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.
Thống đốc cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.

Theo các chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam, khi Fed tăng lãi suất, về lý thuyết sẽ tác động tới sức ép tỷ giá USD cao hơn. Tuy nhiên, với quan điểm điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hiện nay đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế được lạm phát.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc đầu tiên và quan trọng nhất là giữ ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó, giữ ổn định tiền tệ là cốt lõi. Nếu duy trì tương đối tỉ giá VND/USD thì chỉ số lạm phát cơ bản sẽ ở mức thấp, kìm giữ giá các hàng hóa khác, bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp từ nay đến cuối năm và cả những năm tiếp theo.

Để duy trì tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đang can thiệp bằng nhiều biện pháp, trong đó có can thiệp bằng bán USD trong thời gian gần đây. Thực tế, với dự trữ ngoại hối khá dồi dào, Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực can thiệp thị trường để duy trì tỉ giá tương đối. Trong dài hạn, USD sẽ sớm ổn định. Giữ tỷ giá bảo đảm lạm phát cơ bản ổn định, từ đó, hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát chung dưới 4% đi đôi với bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Trước đó, ngày 21/9 (rạng sáng 22/9 theo giờ Việt Nam), Fed đã công bố đợt tăng lãi suất tiếp theo, trong nỗ lực nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong 4 thập kỷ.

Fed thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, lên biên độ 3% - 3,25%.

Đây là lần tăng lãi suất thứ năm trong năm nay và là lần thứ ba liên tiếp Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Biên độ 3% - 3,25% cũng là lãi suất cao nhất của Fed tính từ tháng 1/2008.

Thùy Dương (TTXVN)
Giá vàng châu Á giảm mạnh sau khi Fed phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất
Giá vàng châu Á giảm mạnh sau khi Fed phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất

Trong phiên giao dịch chiều 22/9, giá vàng tại thị trường châu Á giảm tới 1%, khi đồng USD lên giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu về nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN