Những nỗ lực giải quyết khủng hoảng tài chính gần đây của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu dường như chưa thể ngăn chặn tình trạng căng thẳng trong Khu vực đồng euro (Eurozone) leo thang, trong bối cảnh các số liệu mới công bố cho thấy triển vọng kinh tế khu vực này không mấy sáng sủa. Trong khi các nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu chính phủ Đức nhằm tìm kiếm "nơi trú ẩn an toàn" khi tương lai của Hy Lạp trong liên minh tiền tệ này ngày càng trở nên bấp bênh.Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh EU không chính thức kết thúc (ngày 23/5) mà không đưa ra được "phương thuốc" nào để giải cứu Eurozone, điều tra lòng tin kinh doanh hàng tháng vừa công bố cho thấy chỉ số lòng tin kinh doanh ở Eurozone trong tháng 5/2012 đã giảm ở mức mạnh nhất hàng tháng trong gần 3 năm qua, khi rớt từ 46,7 điểm trong tháng 4/2012 xuống 45,9 điểm (dưới 50 điểm là giảm). Tại Đức, chỉ số lòng tin kinh doanh trong cùng thời gian này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua, trong khi chỉ số hoạt động chế tạo ở Pháp đã chạm mức thấp nhất trong 37 tháng trở lại đây.
Nhà kinh tế cao cấp Jennifer McKeown thuộc Capital Economics ở Luân Đôn cho rằng số liệu trên cho thấy nguy cơ kinh tế suy giảm giờ đây thực sự "gõ cửa" kinh tế Đức và tình trạng kinh tế suy giảm lan rộng sẽ làm giảm hơn nữa cơ hội tồn tại của liên minh tiền tệ này. Đồng euro phiên 24/5 có lúc đã rớt xuống mức thấp nhất trong 22 tháng qua là 1,2516 USD trước khi hồi phục nhẹ lên 1,2544 USD.
Kinh tế Eurozone vẫn "mờ tối" bất chấp nỗ lực của EU. Ảnh: Internet. |
Thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ewald Nowotny, cảnh báo nguy cơ xảy ra một "cú sốc nghiêm trọng" với nhiều hậu quả chưa thể lường trước, nếu Hy Lạp phải quay trở lại với đồng drachma. Nếu trong cuộc bầu cử ngày 17/6 tới, người Hy Lạp bỏ phiếu bầu cho một chính phủ không ủng hộ việc cắt giảm ngân sách và tiến hành cải cách theo gói cứu trợ thứ hai, thì rất có thể EU, Quỹ tiền tệ quốc tế và ECB sẽ cắt giảm mạnh gói hỗ trợ tài chính vốn đang "cứu" Hy Lạp khỏi vỡ nợ. Điều này - nếu xảy ra - sẽ khiến Hy Lạp phải rời Eurozone, đồng thời tạo ra những rủi ro khôn lường cho các thành viên yếu hơn, đặc biệt là Tây Ban Nha.
Trong hoàn cảnh bấp bênh nói trên, các nhà đầu tư đã lựa chọn giải pháp an toàn hơn cho khối tài sản của mình là mua trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức, qua đó khiến lãi suất trái phiếu bị đẩy xuống mức thấp kỷ lục 1,358%. Hội nghị EU ngày 23/5 đã thảo luận nhiều về vấn đề sử dụng trái phiếu Eurozone (eurobond) nhằm giảm chi phí huy động nguồn vốn mới cho các thành viên yếu hơn. Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande ủng hộ kế hoạch này, nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn giữ quan điểm rằng cải cách cơ cấu để cải thiện khả năng cạnh tranh ở các nước nợ nần nên được đặt lên trước kế hoạch sử dụng eurobond.
Như Mai (Theo AFP)