Những yếu kém ấy càng thể hiện rõ hơn khi dịch COVID-19 kéo dài suốt hơn 1 năm qua khiến việc thiếu hụt và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu xảy ra. Tại Việt Nam, dịch đang bùng phát tại các khu công nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu linh kiện, vật tư phục vụ sản xuất. Thực trạng này cho thấy, đã đến lúc cần những giải pháp cấp bách và đồng bộ hơn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tự chủ sản xuất, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc và rủi ro từ thị trường thế giới.
Sản xuất đình trệ
Huyndai Thành Công là doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn tại Việt Nam. Thời gian qua, sản xuất của doanh nghiệp này đã bị ảnh hưởng không nhỏ do sự thiếu hụt nguồn cung chip xử lý trên thị trường. Đại diện công ty này cho hay, các nhà máy đã dự kiến phải cắt giảm 20% công suất và nhiều nguy cơ phải tiếp tục cắt giảm nếu thiếu chip.
“Khi nào có chip, doanh nghiệp mới sản xuất được, còn không thì phải tạm dừng. Hầu hết các mẫu xe đều bị ảnh hưởng. Hậu quả là công ty vừa thiếu hàng để bán ra thị trường vừa bị tồn kho lớn do các linh kiện khác nhập về không đưa được vào sản xuất”, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Huyndai Thành Công cho hay.
Tại Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc công ty cho hay, chip xử lý là linh kiện không thể thiếu trong nhiều ngành sản xuất công nghiệp, từ các thiết bị điện tử đơn giản như: thẻ từ, tivi, tủ lạnh, điện thoại, máy tính... đến ô tô, rô-bốt. Tại công ty SKD, việc sản xuất cũng bị ảnh hưởng do thiếu nguồn cung chip xử lý, sản xuất đình trệ, nhiều mã hàng phải chậm giao. Trong khi mặt hàng này Việt Nam chưa thể sản xuất, hầu hết phải nhập khẩu.
Việc thiếu hụt chip xử lý của Huyndai hay SKD Việt Nam chỉ là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của các linh kiện, thiết bị trong sản xuất. Sự thiếu hụt nguồn cung ứng còn nghiêm trọng hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, khiến khâu vận chuyển, giao nhận hàng hóa khó khăn.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí cho hay, sản xuất chip vốn là một ngành đòi hỏi mức độ tinh vi và hàm lượng công nghệ cao, vốn đầu tư rất lớn và cần thời gian để xây dựng, lắp đặt thiết bị. Ở Việt Nam, những ý tưởng về đầu tư xây dựng công nghiệp sản xuất chip cũng được đưa ra nhằm góp phần chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những yêu cầu trên, điều này gần như là không thể. Có chăng, Việt Nam chỉ sản xuất các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ gia tăng của sản phẩm này.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), biến cố từ dịch bệnh đã khiến các chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới bị đứt gãy. Mặc dù vẫn có thể duy trì sản xuất, nhưng gần 50% số doanh nghiệp thuộc VASI bị sụt giảm doanh thu. Doanh nghiệp liên tiếp trải qua 4 đợt bùng phát dịch, khiến việc sản xuất trở nên khó khăn, nội lực yếu dần. Đặc biệt là đợt dịch thứ tư, tại TP Hồ Chí Minh và nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất, chậm trễ trong giao nhận hàng…
Dù vậy, vẫn phải thừa nhận thực tế, năng lực của hầu hết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn rất yếu kém, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn độ… Có thể kể đến như quy mô doanh nghiệp rất nhỏ, trung bình dưới 200 lao động, dây chuyền sản xuất ít ỏi nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt yêu cầu về chất lượng rất ít chỉ khoảng 1.000 công ty, so với Trung Quốc là hàng trăm nghìn.
Các doanh nghiệp nhỏ và yếu kém này là những đối tượng dễ chịu tổn thương và ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh gây ra. Khi chuỗi cung ứng đứt gãy, họ khó tìm các đầu cung ứng thay thế… Do vậy, doanh nghiệp cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành để khôi phục sản xuất, bà Trương Thị Chí Bình cho hay.
Vực dậy công nghiệp hỗ trợ
Để tạo sự chuyển biến cho ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2025.
Bộ Công Thương cũng tiến hành thành lập 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy vậy, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa thể “hấp thụ” được sự hỗ trợ này. Cụ thể theo báo cáo từ Bộ Công Thương, ở ngành dệt may, hiện tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp mới đạt khoảng từ 40 - 45%. Vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.
Nguyên nhân là do các ngành sản xuất bông, sợi, nhuộm của Việt Nam đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành vải trong nước, do đó các doanh nghiệp dệt may nội địa vẫn phải nhập khẩu vải để sản xuất hàng may mặc. Đặc biệt, điểm nghẽn chủ yếu là công nghệ nhuộm vải cũng như xử lý môi trường để phát triển ngành dệt nhuộm vẫn chưa được quan tâm đúng mức đã hạn chế việc các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dệt vải. Ngành dệt may Việt Nam vì vậy chủ yếu mới chỉ dừng ở công đoạn may gia công, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cho sản phẩm dệt may còn rất thấp.
Hay đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng từ 7 - 10%; trong đó Thaco đạt từ 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Đối với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5%. Ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là Samsung. Hầu hết các linh kiện nội địa hóa đều do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn... với giá trị cung ứng rất nhỏ.
Theo nhận định của ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí, doanh nghiệp khó đón được chính sách bởi hiện nay Việt Nam gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Do đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vẫn chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài và các chuỗi sản xuất của họ dẫn đến nền công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa tự chủ.
Đồng thời, Việt Nam thiếu sự chủ động về các vật liệu cơ bản. Các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sản phẩm như thép chế tạo, nhựa và chất dẻo, vải cho ngành dệt may và da giày... chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu. Điều này làm giảm tính chủ động trong sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Đó là chưa kể đến những tồn tại khác như sự yếu kém của chính doanh nghiệp, thiếu đồng bộ trong chính sách hỗ trợ, thiếu liên kết trong toàn ngành..., ông Long cho biết thêm.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, để sớm hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy, đặc biệt sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhà nước cần tạo thị trường, kích cầu tiêu dùng tại nội địa. Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ tiêu dùng thông qua giảm/giãn các loại thuế phí trực tiếp ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, để khuyến khích người tiêu dùng mua hàng tại nội địa.
Ngoài ra, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và tiếp cận các khách hàng tiềm năng tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu. Có thể kể đến như các chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành. Đây là điểm doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay, không chỉ với công nghiệp hỗ trợ, các ngành chế tạo mà tất cả các ngành sản xuất.
Về lâu dài, doanh nghiệp vẫn cần có chính sách để tạo dung lượng thị trường đủ cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, như: chính sách cho ngành ô tô, cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước đã được Bộ Công Thương đề xuất, cần triển khai nhanh hơn nữa; xây dựng chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp điện tử - ngành này hoàn toàn không có chính sách trong 30 năm qua…
Ngoài ra, Chính phủ có thể ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ/Luật Công nghiệp, để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.
Theo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Đồng thời tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.
Bộ này cũng kiến nghị Chính phủ có các chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm như ngành ô tô, điện - điện tử, dệt may, da giày trở thành các Tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.